Lửa thử vàng. Gian nan thử sức. Cám dỗ thử đức tin.
Cuộc sống nội tâm của mỗi người Kitô hữu là một cuộc chiến đấu giằng co, dai đảng giữa phẩm giá của người con Thiên Chúa và đồ đệ của Satan, giữa việc thực thi ý muốn của người Cha Trên Trời và thực thi ý đồ của Satan, giữa cuộc sống muôn đời hạnh phúc và cuộc sống diệt vong, giữa bổn phận làm con Thiên Chúa hay làm đệ tử của Satan…
Chiến trường là cõi lòng của mỗi người chúng ta. Nơi chiến trường ấy, có không biết bao nhiêu là cạm bẫy đang được sắp đặt, có không biết bao nhiêu cám dỗ đang được ngụy trang! Có những đoạn đường tưởng như trơn tru bằng phẳng, nhưng lại đầy cạm bẫy và gai chông của ích kỷ, tham lam, thù oán…; có những khúc quanh tưởng như an toàn vô sự, nhưng lại lọt vào vòng phục kích của toán du kích dục vọng, vật chất, danh lợi.. đang chực chờ đánh lén, bắn sẻ!...
Không ai nói điều tốt cám dỗ, nhưng chỉ nghe nói điều xấu cám dỗ! Cũng phải thôi, vì cái thiện là cứu cánh, là khát vọng của con người thì làm sao nó có thể cám dỗ người ta làm cái ác; chỉ có cái ác mới cám dỗ người ta đừng làm cái thiện.
Cám dỗ là những cạm bẫy, những thử thách giữa cái phải làm là thánh ý Thiên Chúa và Tin Mừng cứu độ… thì không làm, và cái không được làm là tội lỗi, là dục vọng… thì lại làm.
Tin tưởng, tuân phục vị chỉ huy Giêsu và cảnh giác không để mắc mưu của kẻ thù, chúng ta sẽ chiến thắng, nhưng nếu mất cảnh gíac, lơ là, không tuân lệnh vị chỉ huy, sẽ bị bại trận như bà Evà hay như Giuđa.
Nơi quân trường là Hội Thánh, là cộng đoàn, nếu chúng ta phải đổ mồ hôi để tuân theo thánh ý Thiên Chúa, thực thi Tin Mừng cứu độ, liên kết với cộng đoàn chiến hữu, thì nơi chiến trường giao tranh với đối phương cám dỗ và Satan, chúng ta sẽ bớt đổ máu, không thất trận, không bị bắt làm tù binh hay nô lệ.
Cám dỗ, thử thách, tuy có nguy hại cho cuộc sống mỗi người chúng ta, nhưng nó cũng cần có để qua sự hiện diện của nó, chúng ta luôn sống trong cảnh giác và phòng vệ. Tìm cách tránh thoát khỏi cám dỗ cũng là cơ hội cho chúng ta ý thức về tình yêu thương của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài đối với nhân loại, về đức tin của chúng ta đối với Ngài; đồng thời cũng là cơ hội để đo mức độ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Cám dỗ thước đo đức tin và lòng mến của chúng ta đối với Ngài.
Bị thử thách, bị cám dỗ cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra mình là những thụ tạo yếu đuối, dễ bị lung lạc, dễ thay lòng đổi dạ trước tình yêu trung tín, kiên nhẫn của Thiên Chúa. Đây cũng là dịp cho chúng ta ý thức về tình trạng yếu kém, tội lỗi và đầy khuyết điểm nơi mỗi người chúng ta để từ đó cải thiện con người cũ bị tội lỗi thống trị thành một con người mới được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Vì Chúa Giêsu cũng mang thân phận con người, nên“ Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các thiên thần hầu hạ Người”.
Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần đem ra chiến trường. Chiến trường cám dỗ của Chúa Giêsu là chốn hoang địa; ở đó phải sống chung với dã thú, đói khát suốt bốn mươi đêm ngày.
Nơi hoang địa mà Chúa Thánh Thần đưa Chúa Giêsu đến là một nơi thanh vắng, nhưng đối với chúng ta, hoang địa là những giây phút thinh lặng để sống với Thiên Chúa, những giây phút kết hợp với Thiên Chúa bằng tâm tình và cầu nguyện.
Suốt bốn mươi ngày đêm chay tịnh, thầm lặng nơi hoang địa, Chúa Giêsu còn phải đối đầu với những hiểm nguy đang rình rập: đó là đói khát, là dã thú. Trong một cuộc sống xô bồ, ồn ào, bon chen như cuộc sống hiện nay của chúng ta, thì tìm được một giây phút hoang địa không phải dễ, và nếu có tìm được thì ở đó vẫn đầy dẫy những dã thú là những thù oán, ganh tị, là những tham lam, đố kỵ…
Cuối cùng Ngài đã vượt qua cám dỗ, đã chiến thắng Satan.
Còn chúng ta thì sao? Cũng có lúc chúng ta thành công là đã chiến thắng được cơn cám dỗ, nhưng cũng có lúc chúng ta thất bại là đã chạy theo những ngon ngọt dụ dỗ của nó. Thất bại là khi chỉ vì một lời khích bác, một chút tò mò mà phải vướng vào cuộc sống làm nô lệ ma túy; thất bại vì chỉ một ảo vọng làm giàu mà nô lệ kiếp sống đỏ đen để phải nợ nần chồng chất, để phải tan hoang cửa nhà…
Thất bại, thua cuộc trước những cám dỗ là chuyện thường ngày; nhưng phải làm gì sau những lần thất bại, đó mới là điều chúng ta cần phải phấn đấu.
Buông xuôi ư? Phó mặc ư? Không!
Bị sa ngã, bị bại trận là dịp may để chúng ta hồi tâm, sám hối, làm lại cuộc đời: cám dỗ, bị sa ngã – sám hối, trở lại.
Sám hối là giây phút hồi tâm, giấy phút thức tỉnh, giây phút nhìn lại, giây phút trở về với cõi lòng mình và lắng nghe Lời Chúa nói: sám hối và tin vào Tin Mừng. Nhưng sám hối chưa đủ, còn phải trở về với đức tin, trở về để sống theo Tin Mừng.
“ Tôi đã đánh mất mọi sự, chỉ trừ đức tin”. Đó là câu nói được thốt lên từ miệng Marguerite de Cortone, một cô gái hoang đàng, trụy lạc.
Suốt chín năm trời, sau ngày thân phụ cô tái hôn, Marguerite sống dầm dề trong tội lỗi…Nhưng rồi một ngày kia, Thiên Chúa đã đánh động con tim hoang đàng của cô bằng một hình ảnh ghê rợn: Ở một góc rừng kia, Marguerite rất đổi bàng hoàng xúc động khi đứng trước thi thể thối tha của người yêu. Cô tự hỏi: “ Sau đó thì còn lại gì, lạy Chúa?” và cô gái trụy lạc kia đã trở về với gia đình, xin lỗi thân phụ, tròng một giây thừng vào cổ để tỏ dấu ăn năn. Đoạn cô đến xin các tu sĩ dòng Phanxicô hướng dẫn, và sau ba năm dài thử thách qua bao nhiêu đêm dài miệt mài khóc lóc đền tội, Marguerite đã khoác lên mình bộ tu phục dòng ba Phanxicô…Sau đó, cô biến nhà mình thành một bệnh xá, rồi vừa săn sóc các bệnh nhân vừa lao dộng sản xuất để nuôi họ. Ma quỷ đã dùng trăm phương ngàn kế để cám dỗ Maguerite, nhưng nàng đã mãnh liệt chống trả.
Ơn Chúa tuôn xuống như mưa trên nàng, nhất là ơn làm cho các tội nhân ăn năn trở lại. ( HY Nguyễn văn Thuận. Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng. Trg 66 )
Cuộc sống nội tâm nơi mỗi người chúng ta là một đấu trường; ở đó chúng ta phải liên lỉ giao tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác, chiến đấu giữa yêu thương, bác ái và thù hận, ghét ghen, giữa Thiên Chúa và Satan… Chúng ta sẽ là người chiến thắng như Phêrô, như Marguerite de Cortone… hay thất bại như bà Evà, như Guiđa?
Tìm lại được giây phút sám hối, hồi tâm là dịp may cho chúng ta trở về với Tình yêu Thiên Chúa.
Nhận biết mình bị sa ngã chính là giây phút sám hối, là giây phút giúp chúng ta hồi tâm để trở về với chính mình, với tình yêu Thiên Chúa theo năm bước thực hành linh đạo của Thánh Inhaxiô:
1. Tạ ơn Thiên Chúa.Đừng hỏi rằng: Tại sao Chúa ràng buộc tôi, ngăn cấm tôi không để cho tôi sống theo ý thích của tôi mà lại ép tôi phải sống theo ý muốn của Chúa, lại bắt tôi phải sám hối và sống theo Tin Mừng?...nhưng hãy tín thác nơi Chúa rằng:
2. Xin ơn soi sáng.
3. Nhìn lại ngày qua.
4. Xin ơn tha thứ.
5. Quyết tâm hối cải.
Lạy Chúa, con biết rằng: Tất cả những gì Chúa ngăn cấm con, tất cả những gì Chúa chỉ cho con, muốn con phải làm, là vì yêu con, vì hạnh phúc muôn đời của con. Xin Chúa tha thứ những giây phút lỡ lầm đã phản nghịch lại tình yêu thương của Chúa. Đây, con hối hận, ăn năn.
Lm Trịnh Ngọc Danh