(Chúa Nhật III Mùa Chay, năm B)
Bất cứ một quốc gia nào, một tổ chức nào, một gia đình nào, một nhóm nào, dù chỉ là một “nhóm” vài người,… cũng đều phải có luật lệ, nội quy để bảo đảm trật tự – ở phạm vi lớn gọi là an ninh, ở phạm vi thế gới gọi là hòa bình.
Luật vị nhân sinh – luật vì con người, chứ con người không lệ thuộc luật, bởi vì luật có sau con người nên luật được lập ra cốt để phục vụ con người, giúp xã hội tốt hơn. Còn lề luật của Thiên Chúa là Thập Giới, tức là Mười Điều Răn. Luật Chúa là Thánh luật, là Thánh chỉ, là luật giao ước, là Ý Chúa.
THẬP GIỚI
Thiên Chúa đã tạo dựng con người, cho con người tự do, vì chính Ngài “đưa dân Chúa ra khỏi đất Ai Cập, để thoát khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20:2). Thoát khỏi nô lệ là được tự do. Tự do rất cần, mà Thiên Chúa đã cho con người tự do, nhưng đồng thời Ngài cũng có luật đòi hỏi con người phải thực hành: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20:3-4).
Phúc âm nhất lãm lặp lại Giới răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22:37; Mc 12:30; Lc 10:27), hoặc như tiên tri Samuel xác định: “Hãy phụng thờ Đức Chúa hết lòng” (1 S 12:20). Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất (Mt 22:39). Theo kinh Mười Điều Răn, chúng ta quen đọc là “Thứ nhất, thờ phượng và kính mến Người trên hết mọi sự”.
Rồi Thiên Chúa nói tiếp: “Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20:5a). Ngài không ngần ngại tự nhận Ngài là “một vị thần ghen tương” (Xh 20:5b), và Ngài nhấn mạnh: “Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông” (Xh 20:5c). Có phải vì Thiên Chúa đã “ấn định” như vậy nên ngày xưa người ta cũng có luật “tru di tam tộc” chăng?
Nghe cách nói của Chúa có vẻ “gay gắt” nhưng thực ra không phải vậy. Ngài không độc đoán, vì Ngài luôn yêu thương và hứa chắc chắn: “Những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời” (Xh 20:6). Ngài rất tâm lý và công bằng, Ngài “bắt buộc” cái này thì Ngài lại “thưởng công” cái khác. Công lý là thế. Chính tác giả Thánh vịnh đã xác định: “Chúa giữ gìn những ai thành tín, nhưng thẳng tay trừng trị người ăn ở kiêu căng” (Tv 31:24). Thiên Chúa còn giải thích rõ ràng: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng” (Xh 20:7). Đó chính là Giới răn thứ hai: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”.
Sách Xuất hành, chương 20, câu 9-17 “liệt kê” các Giới răn từ thứ ba tới thứ mười: “Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày Sa-bát và coi đó là ngày thánh. Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”.
VUI, BUỒN VÌ LUẬT
Vô tri bất mộ – không biết nên không yêu thích. Càng hiểu biết thấu đáo điều gì thì người ta càng yêu quý. Tác giả Thánh vịnh đã vui mừng thốt lên: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh Ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn” (Tv 19:8). Luật pháp khiến người ta “sáng mắt” để khả dĩ phân biệt đâu là đúng và đâu là sai. Còn Luật Chúa khiến “người dại hóa khôn”. Chính các “huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng” có thể “làm hoan hỷ cõi lòng” và “mệnh lệnh Chúa minh bạch” để làm cho “đôi mắt rạng ngời” (Tv 19:9). Tác giả Thánh vịnh chân nhận “quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh” nên thực sư “quý báu hơn vàng ròng muôn lượng” và “ngọt ngào hơn mật ong nguyên chất” (Tv 19:10-11). Như vậy, luật làm cho người ta hạnh phúc hơn chứ không làm cho người ta bị gò bó, lệ thuộc, hoặc đau khổ. Luật phải hợp lòng dân, phải bắt nguồn từ yêu thương chứ không vì tư lợi, nếu không thì đó chỉ là ác luật để hành dân, là luật không hợp lý, và luật đó khiến người dân khổ sở. Tất nhiên luật đó trái với Ý Chúa. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, người ta thường nói vậy.
Cuộc sống luôn có những điều trái ngược, như người ta thường nói: “Chín người mười ý”, và đôi khi có những tình huống rất khó xử. Không ai chịu nghe ai, nếu không có nghiêm luật thì xã hội sẽ rối loạn. Thánh PhaoLô nói: “Người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” (1 Cr 1:22). Hai thái cực khác nhau. Còn những người tin yêu Chúa, như thánh Phaolô, thì “lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1:23). Người ta chỉ theo những người có uy tín – dù “uy tín” đó chỉ là vàng bạc, chức tước, địa vị, quyền hành,… chứ ai lại ủng hộ người “nghèo rớt mồng tơi”, không có cục đất chọi chim? Người ta còn “chửi xéo” là kẻ “thừa nói thiếu ăn”! Những người “chịu” theo Chúa chắc chắn cũng bị người ta cho là “tâm thần”, là “ngu xuẩn”, là “dại dột”, hoặc chí ít cũng là “khờ khạo”. Tuy nhiên, “đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1:24).
Thiên Chúa với những động thái “ngược đời”, hoàn toàn khác loài người. Trong xã hội cũng vậy (cả đạo lẫn đời), những người có tư tưởng “mới” là những người “đi trước thời đại”, có khả năng “nhìn xa, nhìn rộng”, nhưng họ thường bị coi là cấp tiến, bị xa lánh, bị cô lập, bị ghét bỏ, thậm chí là bị hại. Thức tế cho thấy đã có những người chỉ được chấp nhận là vĩ nhân sau khi họ đã chết lâu rồi – đơn vị thời gian có thể tính bằng thế kỷ. Thật là buồn! Những người có tư tưởng mới mà “yếu bóng vía” sẽ ái ngại rồi có thể “bỏ của chạy lấy người”. Còn những người “dị ứng” với những tư tưởng mới thì chỉ là những người không theo kịp thời đại, thậm chí có thể là “tiểu nhân”, hoặc không muốn người khác hơn mình!
Riêng thánh Phaolô, sau lần ngã-ngựa-chí-tử, ngài chợt nhận ra cái “ngược-đời-xem-chừng-nghịch-lý” kia, và đã can đảm xác nhận: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25). Cũng có lần Thiên Chúa đã nói: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55:8-9).
THỰC HÀNH LUẬT
Thánh sử Gioan kể: Gần dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem, Ngài hết sức ngạc nhiên khi thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Ngài liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Ngài đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.
Ngài nói thẳng với những kẻ buôn bán: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2:16). Lúc đó, các môn đệ “giật mình” nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2:17; Tv 69:10). Thấy Chúa Giêsu “nổi nóng” và dám chê họ sai, người Do Thái ấm ức hỏi: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (Ga 2:18). Đức Giêsu thản nhiên đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2:19). Đền Thờ Giêrusalem phải mất 46 năm mới xây xong, thế mà Chúa Giêsu nói có thể xây lại chỉ nội trong 3 ngày. Đối với họ thì đúng là Chúa Giêsu sinh sống gần kho đạn, “nổ” hết mức, hoặc là “tâm thần” thật. Tuy nhiên, Ngài muốn nói về chính thân thể Ngài mà họ không thể nghĩ kịp tư tưởng của Ngài. Ngay cả các môn đệ, dù đã từng rong ruổi với Ngài khắp nơi, cùng chia ngọt sẻ bùi với Ngài, hẳn là phải hiểu Ngài, thế mà các ông cũng đã “miệng chữ A, mắt chữ O” khi nghe Sư phụ mình nói như vậy!
Mãi đến khi Chúa Giêsu từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ mới “tá hỏa tam tinh” mà nhớ lại điều Ngài đã nói thì mới đủ tin vào Kinh Thánh và lời Ngài nói. Trong lúc Ngài ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều người tin Ngài vì đã chứng kiến các dấu lạ Ngài làm. Thế nhưng chính Đức Giêsu chưa đủ tin họ, vì Ngài biết rõ có gì trong lòng con người.
Chúng ta cũng chẳng hơn gì người Do Thái, thấy cái gì lạ thì tin ngay, nhưng rồi “đâu lại vào đấy”, xin và được ơn thì tin lắm, xin không được thì “nhăn mặt” và nghĩ: “Kỳ vậy ta?”. Thậm chí, đôi khi chúng ta cầu nguyện mà kỳ thực chúng ta đang “ngã giá”, “hối lộ” hoặc “mua chuộc” chính Chúa và các vị thánh mà chúng ta cho là “thiêng lắm”! Thật đáng để chúng ta phải trầm tư suy nghĩ nhiều với câu hỏi của Chúa: “Cho đến bao giờ nữa quý vị từ chối, không tuân giữ các mệnh lệnh và luật lệ của Tôi?” (Xh 16:28).
Lạy Chúa, chúng con chợt thấy mình như những kẻ bơ vơ, lạc hướng trong thế giới ngày nay, vì khó tìm được người đáng tin cậy, trong khi xung quanh chúng con có nhiều thần ô uế, thần bạc tiền, thần nhục dục, thần danh vọng, thần địa vị, thần quyền lực,… Đôi khi chúng con còn mắc những bệnh trầm kha trong cách nhìn, trong nếp nghĩ, và trong lối sống, thế nên chúng con vẫn bỏ mặc những người sống bên lề xã hội, mặc họ bị bóc lột, bị áp bức, bị khinh miệt, bị tước đoạt nhiều thứ… Chúng con xin lỗi Chúa. Xin Ngài thương giúp chúng con nhận ra chính mình để có thể nhìn rõ tha nhân mà chạnh lòng thương họ bằng chính trái tim của Đức Kitô, đồng thời giúp chúng con dám chấp nhận mọi thứ dù phải thiệt thân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU