(Suy niệm Tin Mừng thánh Luca (Lc 14, 7-14) trích đọc vào Chúa Nhật 22 thường niên)
Khi đề cập về Chúa Giê-su, người ta thường giới thiệu Người là Thiên Chúa Ngôi Hai cao cả, là Vua hoàn vũ, là Thẩm Phán tối cao, là Đấng quyền năng phép tắc… nhưng Chúa Giê-su còn có một phẩm chất cao đẹp khác ít được đề cập đến: Người là Đấng rất khiêm nhường!
Trong thư Philip (2, 6-11), thánh Phao-lô trình bày sự khiêm nhường sâu thẳm của Chúa Giê-su như sau:
Mặc dù Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa quyền năng, đồng hàng với Thiên Chúa Cha, nhưng Người đã hủy mình ra không! Từ tột đỉnh danh dự và vinh quang, Người đã gieo mình xuống cõi đời ô trọc, hoá thân thành một trẻ sơ sinh yếu đuối, được sinh ra trong nơi rốt hèn; khi lớn khôn thì sống bằng nghề mộc ngày ngày đổ mồ hôi đổi lấy áo cơm. Thiên hạ còn gọi Người là “bạn bè của quân thu thuế và phường tội lỗi”; rồi cuối cùng, Người đón nhận cái chết thấp hèn và đau thương trên thập giá cùng với hai kẻ bất lương.
Chúa Giê-su là Đấng rất khiêm nhường nên Người cũng muốn cho chúng ta trở nên khiêm nhường như Chúa. Chúa Giê-su không kêu mời chúng ta hãy học cùng Người vì Người thông thái, vì Người có tài hùng biện thu phục quần chúng, vì Người khôn ngoan… nhưng trước hết, Người kêu gọi chúng ta hãy học với Người, vì Người có lòng dịu hiền và khiêm nhường.” (Mt 11, 29)
Chúa Giê-su còn thuyết phục chúng ta sống khiêm nhường bằng một dụ ngôn rất cụ thể và thực tế như sau: “Khi anh em được mời dự tiệc, đừng chọn chỗ nhất, kẻo khi có người khách khác quan trọng hơn đến sau, chủ nhà sẽ đến nói với anh em: Mời anh xuống ngồi chỗ dưới nầy cho… Trái lại, khi được mời dự tiệc, anh em hãy chọn chỗ cuối…. Vì hễ ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên” (Lc 14, 8-11).
Cây cao, tàng lớn, đứng trên đỉnh cao thì nguy cơ bật gốc hay gãy đổ càng cao. Cây nhỏ, thân mềm như lau sậy, dù đứng ở vị trí nào cũng được an toàn trước cuồng phong bão tố.
Khi huấn dụ các chủng sinh về khiêm nhường, Đức Cố Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận nói: “Khi ta ngồi lên ngai cao, nhiều người muốn đạp ta xuống; khi ta nằm xuống sát đất, nhiều người muốn nâng ta lên.”
Nước mưa rơi xuống trên những đỉnh núi cao sẽ chảy tuôn đi hết chẳng đọng lại giọt nào. Rốt cuộc, mọi giòng nước đều tuôn về chỗ trũng. Chính thế người ta thường nói: “Biển cả là mẹ của tất cả sông ngòi vì biển hạ mình thấp hơn mọi con sông.”
Ai hiền lành khiêm nhượng, biết hạ mình xuống thì tình trạng tâm hồn của họ như là chỗ trũng, là lũng sâu. Ơn phúc của Thiên Chúa cũng như tình yêu của bạn bè sẽ chảy tuôn vào những con người ấy.
* * *
Một trong những hình tượng rất sinh động để diễn tả cuộc đời khiêm hạ là hình tượng về nước. Nước lúc nào cũng khiêm tốn. Nước luôn tìm chỗ rốt hèn. Nước luôn mềm mỏng dịu dàng không hề xô xát va chạm với ai.
Nước không hề kháng cự hay đối đầu nhưng rốt cục nước vẫn chiến thắng nhờ sự mềm mỏng của mình. Búa tạ giáng vào tường, tường đổ; búa đập vào đá, đá tan; nhưng nếu có ai quai búa đập mạnh vào vũng nước, nước không cần kháng cự, nhưng búa sẽ phải cắm xuống đáy bùn! Đúng là “nhu thắng cương, nhược thắng cường”!
Nước luôn tìm chỗ rốt hết, tìm chỗ thấp mà chảy xuống, chẳng bao giờ muốn leo cao nên mới tạo ra thủy năng, một nguồn năng lượng phi thường!
Khi bị hỏa thần tấn công, nước nhẹ nhàng bốc mình lên cao thành những lớp mây trời và khi hỏa thần hừng hực thiêu rụi những cánh rừng tươi tốt, nước có thể gieo mình xuống dập tắt hỏa thần.
Tuy mềm mại nhưng nước có sức xói mòn tất cả; dù rắn như đá thì "nước chảy đá cũng phải mòn".
Nhờ mềm mỏng, nước rửa sạch tất cả, cuốn trôi tất cả.
Nhờ biết hóa mình thành muôn hạt li ti, nước có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách của các địa tầng, thấm nhập khắp muôn nơi.
Tuy hạ mình thấp hèn, nước đem lại sự sống cho mọi loài. Nơi đâu thiếu nước, ở đó chỉ còn là sa mạc, khô cằn. Nơi đâu nước ngấm đến, ở đó sự sống sẽ phong nhiêu.
Lạy Chúa Giê-su, Đấng hiền lành khiêm nhượng, xin cho chúng con, những người môn đệ Chúa, biết chọn chỗ rốt hèn như nước, biết sống khiêm hạ như Chúa đã nêu gương.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà