Nói đến tôn giáo là nói đến mầu nhiệm, vì tôn giáo chính là niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính linh thiêng... Đã gọi là linh thiêng, nghĩa là mầu nhiệm, không lý giải được bằng lý trí hoặc khoa học của con người. Cho nên, mầu nhiệm về Thiên Chúa, hay mầu nghiệm Một Chúa Ba Ngôi không ra khỏi thuật ngữ đó. Chỉ có lấy đức tin mà bù lại, lấy lý trí phán đoán, lấy khoa học minh chứng, lấy triết học suy tư… cũng không tìm ra được. Hay nói ngược lại, đức tin công giáo là sự cộng hưởng của lý trí, khoa học, triết học và thần học.
Giải thích thế nào, lý luận thế nào cũng không thể diễn đạt bằng lời cho thuyết phục về Một Thiên Chúa nhưng có ba Ngôi vị. Ba Ngôi vị lại đồng nhất trong một bản thể là Thiên Chúa. Đức tin công giáo dạy tín hữu Kytô tin Thiên Chúa Cha là Ngôi Cha tạo dựng, Chúa Con là Ngôi Hai cứu chuộc và Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần thánh hóa.
Chúa Cha sinh Chúa Con - Ngôi Hai Thiên Chúa, là Con Một duy nhất của Ngài. Chúa Cha chỉ có một người con mà Ngài hết mực yêu thương là Đức Giêsu Kytô, Ngôi Hai Thiên Chúa, xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Chúa Thánh Thần - kết quả tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Ngôi Cha yêu Ngôi Con sinh ra Ngôi Ba. Ba Ngôi Thiên Chúa đều có cùng mục đích là yêu thương, tạo dựng nhân loại, cứu chuộc và thánh hóa họ.
Thế giới, con người và vạn vật được tạo dựng nhờ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Tạo dựng con người giống hình ảnh mình, ban cho con người có lý trí, ý chí và tự do, đồng thời trao toàn vũ trụ cho con người coi sóc. Thế nhưng, cũng chỉ vì lạm dụng tự do, cái tự do mà Thiên Chúa trao ban đã bị lạm dụng, con người trở nên bất tuân phục Thiên Chúa. Tuy nhiên, yêu thương tạo dựng con người thôi chưa đủ, mà Ngài còn muốn cho họ được sống hạnh phúc, sống sung mãn, dồi dào. Thế nên, Thiên Chúa Cha đã hi sinh chính Con Một yêu dấu của mình để cứu chuộc họ.
Tại sao vậy? Tại sao Ngôi Con lại phải chết thay cho nhân loại? Chính vì vâng lời Thiên Chúa Cha, chính vì yêu thương con người mà Ngôi Con đã xuống thế làm người, gánh tội nhân loại, chuộc tội cho họ, hòa giải họ với Thiên Chúa Cha để cho họ được sống.
Chỉ có Đấng vô tội mới có thể chịu tội thay cho kẻ phạm tội. Con người, ai cũng là phàm nhân mỏng dòn, yếu đuối, bất toàn và tội lỗi. Đã mang kiếp người, đã làm người, không ai đi khỏi con đường đó. Chẳng ai có thể tự nhiên trở nên hoàn hảo, nếu như không trải qua hành trình khổ luyện, tu thân, tích đức. Cũng như chẳng có ai tự nhiên trở nên kẻ tội lỗi nếu như không sống buông thả theo dục vọng cá nhân.
Chỉ có Đấng là Thiên Chúa mới hiểu biết Thiên Chúa và dạy cho người ta về Thiên Chúa. Chỉ có Đấng từ trời đến với con người mới mặc khải chính xác và toàn vẹn nhất cho nhân loại biết sự sống nước trời. Mọi lời tiên báo, ngôn sứ hay tiên tri chỉ là dọn đường, báo trước. Đức Giêsu Kytô chính là mặc khải tròn đầy, trọn vẹn nhất về mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngoài Ngài ra, không còn sự mặc khải nào khác nữa.
Mọi điều bí nhiệm về Thiên Chúa: Quyền năng! Sức mạnh! Tình yêu! đã được mặc khải trọn vẹn bằng chính lời nói, hành động, việc làm của cuộc đời Đức Giêsu. Ngài không chỉ nói, rao giảng, mà còn minh chứng bằng cả hành động, hơi thở và mạng sống mình. Tất cả những gì con người thấy được nơi Đức Giêsu, cũng chính là tất cả những gì Ngài xem thấy nơi Cha của Ngài và mặc khải cho nhân loại biết.
Như thế, mầu nhiệm ở đây chỉ còn hệ tại ở niềm tin và hành động cho niềm tin ấy. Mọi bằng chứng đã được lưu truyền, lịch sử và thế giới ghi nhận. Một Đức Giêsu làm người thật, sống thật, rao giảng thật, làm phép lạ thật, chết thật và sống lại thật. Hoàn toàn là sự thật. Tất cả đều là sự thật, không hoang đường, không ảo tưởng nhưng là mầu nhiệm! Mầu nhiệm không phải không thể thấy hoặc không thể tin, nhưng hệ tại ở lòng mến và ý muốn. Muốn tin hay từ chối tin!
Không một tín hữu Kytô nào không hiểu rằng đây chính là thời đại của Thánh Thần. Khi đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha giao phó là cứu chuộc trần gian, Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho nhân loại để Ngài tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu trên trần gian. Bổn mạng của từng Kytô hữu chúng ta là cộng tác với Thánh Thần Chúa, tiếp tục theo gót Đức Giêsu ra đi loan truyền tin vui cứu độ và tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đây cũng là chính là di chúc sau cùng của Đức Giêsu. Trước khi từ giã các môn đệ về trời - Ngài ra đi không phải là bỏ rơi, nhưng là để dọn chỗ cho mỗi người chúng ta trên thiên quốc, vì chưng ngôi nhà chúng ta là ở đó, chốn chúng ta phải đi về cũng là ở đó, trần gian này chỉ là con đường, từng ngày sống là từng bước chân chúng ta đang bước từng nấc thang về trời - Ngài đã nói với các ông: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19).
Động từ “nói” được nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng dùng ở đây, xét theo thuyết Tâm lý ngôn ngữ, cũng chính là một lời mời, một ngỏ ý chân thành, mặc dầu trong câu nói của Ngài có bao hàm động từ mệnh lệnh “hãy”. Điều ấy chứng tỏ một sự phá cách, đến gần gũi và hết sức “người”, hết sức thân thiện của Đức Giêsu với các môn đệ nói chung và với từng cá vị chúng ta nói riêng. Hơn bao giờ hết, lời hứa hết sức xúc động Ngài đã gửi trọn trái tim cho nhân loại: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Còn chần chờ, hoài nghi, ngờ vực gì nữa, tại sao không dám sống chứng nhân tình yêu đi cơ chứ?
~*~*~*~*~*~*~*~
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, con yêu Ngài. Không biết từ bao giờ, ở tận cung lòng con, luôn có chữ “yêu Ngài”. Chỉ tội nghiệp cho con, mang thân xác nhân loại, không thể tránh khỏi yếu đuối, bất toàn, ngơ dại… bởi thế mà, có những khi, có nhiều lúc con đã hành động ngược lại với sự thật trái tim con. Thế nhưng, cho dù thế nào, sự thật ấy cũng không thể thay đổi được và không ai có thể làm thay đổi. Con đã sống sự thật ấy trong đời mình với nhiều cách khác nhau, qua từng hoàn cảnh, giai đoạn và hành động khác nhau, nhưng dẫu bằng bất cứ hình thức nào, quãng đường còn lại, con luôn chỉ muốn sống tình yêu ấy trong thinh lặng của Ba Ngôi linh thánh mà thôi…
M. Hoàng Thị Thùy Trang ~ Gởi bởi bạn Thu Hằng