CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN -B
“Anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc.10,21)
Một người giàu có vẫn thường đến tòa giải tội khi thánh Philipphê Nêri ngồi tòa, nhưng dường như con đường nên trọn lành, con đường xa lánh dịp tội của ông không mấy tiến triển, nên ông cảm thấy chán nản và những muốn bỏ cuộc. Thánh nhân biết được, nên ngài đã quá bước tìm đến nhà ông. Sau một hồi chuyện trò tâm sự, ngài nhìn lên cây thánh giá treo trên tường và ước lượng độ cao, rồi thánh nhân đề nghị với người giàu có:
- Này! Ông thử với tay xem có tới thánh giá không?
Người đàn ông cao lớn vươn cánh tay của mình ra, nhưng không thể nào chạm được vào cây thánh giá. Nhìn quanh nhà một hồi, thánh nhân dùng hết sức đẩy cái tủ đựng tài sản quý giá của người giàu có đến bên cạnh ông, ngài nói với ông:
- Nào! Giờ thì ông hãy đứng lên cái tủ và thử chạm vào thánh giá.
Quả thật, người giàu có đã chạm được thập giá, không những thế, ông còn sờ được tượng Chúa Giêsu chịu nạn. Bấy giờ thánh nhân mới nói:
- Để có thể đụng chạm được Chúa Giêsu, tiến bộ trên đường trọn lành, chúng ta cần phải “đứng trên tiền bạc, đứng trên của cải vật chất”.
~*~*~*~*~*~*~
Đứng trên hay làm chủ của cải vật chất để bảo vệ nó, tự hào về nó, để thể hiện đẳng cấp và phong cách sống…Thú thật, đây là mơ ước của nhiều người, trong đó có ta là người Kitô hữu. Đặc biệt là giữa thời đại hôm nay, một thời đại mà đi đến đâu, muốn làm gì cũng phải thuộc nằm lòng câu “thủ tục đầu tiên” (thủ tục tiền đâu). Ông bà ta vẫn dạy rằng: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Hoặc như câu ca dao tục ngữ: “Có tiền thì mua tiên cũng được, không tiền mua muối cũng chẳng xong”, trong mối tương quan tình bạn, tình yêu thậm chí là tình nghĩa vợ chồng, thì đồng tiền chi phối cũng không nhỏ: “Còn tiền, kẻ đón người đưa, hết tiền đi sớm về trưa mặc lòng”. Đây có lẽ là điều không ai có thể phủ nhận trong cuộc sống thường nhật.
Đã là con người, ai ai cũng phải lo, nào là lo cái ăn, cái mặc; lo hôm nay, ngày mai, cho tương lai, lúc khỏe thì tằn tiện để dành cho những lúc trái gió, trở trời, lúc đau ốm, liệt giường; khi thời vận đến hồi ăn nên làm ra thì lo tích trữ, để dành cho lúc làm ăn thất bát, thất nghiệp, ôi thôi muôn vàn cái lo, lo cho mình, cho con cái…Từ cái lo chuyển qua ước, khi đã có một, thì ước được hai, ba. Từ cái có, đưa đến cái sợ, sợ mất, sợ cướp, sợ người ngoài, người trong dòm ngó, và thế là ta nhọc tâm canh chừng và gìn giữ nó như vật “bất ly thân”. Cứ thế mà đời ta dù là bậc chân tu hay sống đời thường cũng đều xoay quanh hai chữ “của cải, vật chất”.
Vâng! Của cải vật chất, hay nói đúng hơn là những tài sản trong quá trình lao động, quá trình bương chải ta tích trữ được, lắm khi nó như người bạn thân, bạn quý của ta, nó với ta như hình với bóng. Chính vì nó chi phối, nó gắn chặt với đời ta, để rồi ta khó khước từ, dứt bỏ để bước theo tiếng gọi mời của Đức Giêsu, sống theo chân lý Tin Mừng. Hình ảnh người nhà giàu trong Tin Mừng hôm nay đã cho ta thấy. Đời sống của anh không chê vào đâu được, anh là một người mẫu mực, anh tuân giữ luật lệ một cách nghiêm ngặt. Anh đã được Đức Giêsu đem lòng yêu mến (Mc.10,21). Chính đời sống mẫu mực đó là động lực thôi thúc anh đến gặp Đức Giêsu để xin đi theo và mong ước Ngài chỉ cho phương thế tiếp cận sự sống đời đời, tiếp cận nước Thiên Chúa. Nhưng, thật trớ trêu, sau khi nghe Đức Giêsu phán: “Anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc.10,21), anh rầu rĩ và bỏ đi.
Người giàu có bỏ đi vì anh ta tiếc của, vì anh ta không muốn mất những gì mà anh đã dày công gầy dựng, cho dù sự từ bỏ, cho đi tất cả tài sản anh đang sở hửu anh sẽ đạt được điều anh đi tìm, đi kiếm. Đó là kho tàng ở trên trời, là được đi theo Đức Giêsu. Quả thật, trong đời sống luân lý anh chẳng có tỳ vết gì, nhưng tiếc thay anh trở thành nô lệ cho của cải vật chất, vì là nô lệ nên anh không dứt bỏ, anh đã để những ước mơ, lòng khao khát của anh vụt khỏi tầm tay. Tư tưởng và hành động của anh minh chứng cho lời răn dạy của Đức Giêsu: “ Những người có của thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao”(Mc.10,23).
Của cải vật tự nó không xấu, vì của cải vật chất được chính Thiên Chúa ban tặng cho ta, để mưu ích cho ta trên đường lữ thứ trần gian. Có một câu nói rất hay: “Của cải vật chất là người đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu”. Nếu trong đời sống ta coi của cải vật chất như là phương tiện giúp ta từ việc đời đến việc đạo thì quả là tuyệt vời, bằng ngược lại nếu ta xem của cải vật chất như cứu cánh, thì chính ta biến của cải vật chất trở thành ông chủ của ta. Một khi của cải vật chất là ông chủ, thì tất nhiên ta trở đầy tớ, nô lệ. Từ đây, của cải vật chất sẽ xui khiến ta thực hiện những điều trái với ước muốn của Thiên Chúa, làm ta dần xa rời Thiên Chúa là Đấng làm chủ tất cả, như người nhà giàu trong Tin Mừng và người giàu có thời thánh Philipphê Nêri
Quả thật, rất khó cho con người nhân loại khi phải chọn lựa giữa kho tàng trên trời và kho tàng dưới đất, giữa Thiên Chúa và những lời mời gọi của thế gian; giữa những giàu có, xa hoa, hưởng thụ và sự khó nghèo theo chân lý Tin Mừng. Thật vậy, khi được mời đi tham dự thánh lễ, đọc kinh, chầu Thánh Thể, mời gọi cộng tác vào lĩnh vực truyền giáo, dấn thân lo việc chung của giáo xứ, hội đoàn, nhiều người từ chối với lý do rất logic “Tôi bận lắm, công việc lu bù, thời buổi này có thực mới vực được đạo….!”, dẫu rằng Lời Chúa còn đó để nhắc nhở: “ Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt.6,33). Vâng! Làm sao con người có thể chọn cho mình điều tốt, điều đẹp với Thiên Ý; con người có thể đi tìm kiếm những giá trị từ Trời Cao, nếu không có ơn khôn ngoan được khởi đi từ Thiên Chúa.
Khi được chọn lên ngôi “thiên tử”, vua Salomon đã không cầu xin Chúa cho ngai vàng bền vững, binh hùng tướng mạnh; xin được nhiều tiền, nhiều của, xin có sức khỏe, sắc đẹp, vợ đẹp con khôn…nhưng ông đã xin ơn khôn ngoan. Để rồi, nhờ ơn khôn ngoan Chúa ban ông trở thành một vị vua khôn ngoan bậc nhất thiên hạ, trở thành một ông vua giàu có bậc nhất, được nhiều người mến phục, ngay như hoàng hậu Phương Nam cũng ngã nón bái chào và kính phục. Trình thuật sách Khôn Ngoan hôm nay đã minh chứng điều đó:
“Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn ngoan đã đến với tôi.
Đức Khôn ngoan, tôi đã quý trọng, còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan……
Tôi ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khỏe và sắc đẹp. Đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng….
Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đên với tôi. Nhờ Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.” (Kn.7,7-11).
Ước muốn và lời cầu nguyện xin ơn khôn ngoan của vua Salomon sẽ mãi là tấm gương cho ta trong việc mưu tìm và sử dụng của cải vật chất hôm nay, ngày mai và hết cuộc đời ta. Nhờ ơn khôn ngoan của Chúa, ta mới có thể sống và thực hiện mọi công, mọi việc, từ kế mưu sinh, cho đến cách sử dụng, tích trữ tiền của như lòng Chúa mong ước, nhờ ơn khôn ngoan ta mới có thể nhận ra đâu là kho tàng đích thực mà ta cần tìm và chiếm hữu.
“Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ,
Con nguyện đi theo mãi đến cùng.
Xin cho con được trí thông minh,
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.
Trên đường Mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi,
Vì con ưa thích đường lối đó.
Xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý
Không ngả theo lợi lộc, tiền tài…” Amen (Tv.119,33-36)
Antôn Lương Văn Liêm