Trong cuộc sống, chẳng bao giờ chúng ta có đủ mọi thứ mình muốn cả. Mà nói đúng ra thì những thứ mình muốn nhiều khi chưa chắc đã thật sự cần đến, chúng ta muốn đơn giản chỉ vì chúng ta chưa có được chúng, thế thôi.
Ngày nay, trong nhiều xã hội giàu có ở phương tây, tình trạng mắc nợ tín dụng ngày càng gia tăng. Nhiều người mải mê chạy theo những thứ mình muốn như xe hơi đời mới, máy móc tiện nghi đắt tiền ... để rồi ngập đầu trong nợ nần.
Vì cố thanh toán những khoản nợ cứ chồng chất, họ phải lao đầu vào những công việc chẳng mấy ưa thích, xa rời những công việc chân chính, xa rời bạn bè, người thân.
Rõ ràng, nếu có nhiều tiền thì cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn, bạn sẽ phần nào giảm được căng thẳng và thỏa mãn được nhiều ước muốn xa xỉ của mình. Nhưng không vì thế mà bạn có thể xem kiếm tiền là một mục tiêu quan trọng của cả đời.
Thật nhầm lẫn nếu ai đó cho rằng có tiền là có tất cả. Bạn biết đấy, nhiều người rất giàu đôi lúc cũng vẫn rơi vào tâm trạng buồn khổ.
Hãy hình dung, một người có cả địa vị và tiền bạc, nhưng cuộc sống vợ chồng lại vô cùng căng thẵng, liệu họ có còn cảm thấy hạnh phúc không? Nếu một triệu phú đến tuổi trung niên lại mắc phải một chứng bệnh không có thuốc chữa thì liệu tiền bạc có phải là vấn đề ông ta hãnh diện hay không? Vậy nên trong khi có những người bất chấp tất cả vì tiền bạc thì cũng có rất nhiều người sẵn sàng đánh đỗi sự giàu có để lấy tình yêu, hạnh phúc con cái, sức khỏe tốt, một đời sống vui vẻ ...
Tiền không xấu nhưng cũng không tốt. Giống như nước hay lửa vậy, tiền có sức mạnh nhưng không phải là tất cả. Ta cần nước để sống nhưng nước có thể nhận chìm ta, làm ta chết đuối.
Lửa giử ấm cho ta nhưng cũng có thể đốt cháy ta. Tiền cũng thế thôi, nếu được dùng vào mục đích tốt (nuôi sống gia đình, giúp đỡ mọi người ...) thì tiền trở nên có ích, nhưng nếu sử dụng vào mục đích xấu (khống chế người khác, lao vào những cuộc truy hoan, làm ăn bất chính ...) đó sẽ chỉ là những đồng tiền tội lỗi.
Tiền cũng là một dạng năng lượng, khi bạn chia sẽ nó một cách hào phóng vì lợi ích của cộng đồng, bạn sẽ nhận được nhiều hơn, thường ở những dạng khác. Vì khi bạn cho đi, bạn sẽ thu lại gấp nhiều lần những món quà tinh thần, như lòng biết ơn, sự kính trọng và quan trọng hơn cả là sự thanh thản và cảm giác hạnh phúc trong chính tâm hồn bạn.
Ngược lại, nếu chỉ biết khư khư giữ cho mình, chẳng khác nào bạn đang ngăn dòng chảy của năng lượng và rất có thể bạn sẽ trở thành một người đứng bên lề xã hội.
Khi mội người biết bình tâm suy nghĩ về những điều thật sự cần thiết cho cuộc sống thì tiền và những vật chất khác sẽ đứng vào hàng thứ yếu.
Mỗi lựa chọn đúng của chúng ta sẽ tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống. Ví dụ, khi bạn mua những cây rau cải được bón phân hữu cơ, thì cũng là cách bạn phản đối việc sử dụng thuốc trừ sâu cho cây trồng. Tương tự, bạn có quyền lựa chọn đầu tư cho những công ty thuốc lá gây ra hàng ngàn cái chết mỗi ngày hoặc đầu tư cho các công ty biết quan tâm đến an sinh của xã hội?
Tất cả đều tùy thuộc vào quyết định lựa chọn của bạn.
Khi bạn nhận thức được rõ đâu là cái mình CẦN và đâu là cái mình MUỐN, bạn sẽ có rất nhiều điều để chia sẻ.
(The Power of Giving - Azim Jamal, Harvey McKinnon)