Một câu chuyện kể rằng: tướng Massena, một trong những vị tướng của vua Napoleon, cầm đầu một đội quân gồm 18,000 người bao vây một thành phố của nước Áo. Trong lúc bị bao vây thì hội đồng thành phố họp lại để bàn tính kế hoạch đầu hàng. Lúc đó một vị bô lão đứng lên nhắc rằng hôm đó là ngày Lễ phục sinh và đề nghị tất cả hãy tham dự các nghi thức Phục sinh trước và dâng những khó khăn đó vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Hội đồng chấp nhận cùng nhau đến nhà thờ và rung chuông để tụ họp mọi người tham dự nghi thức phục sinh. Khi quân đội của Napoleon nghe những hồi chuông reo vang thì họ cho rằng đội quân tiếp viện của Áo đã đến cho nên ngay lập tức đã rút lui, và thành phố nhờ thế đã được cứu thoát.
Câu chuyện này minh họa điều mà Thánh Phaolô nói trong bài đọc hai hôm nay. Tin vào Chúa ảnh hưởng vào cách thức khi chúng ta đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Trong khi những người không có đức tin thường đáp trả những khó khăn bằng một tâm hồn lo lắng, thì con người của đức tin lại đáp trả những khó khăn này bằng cầu nguyện. Qua câu chuyện trên chúng ta thấy: lo lắng chỉ khiến chúng ta đầu hàng trong yếu đuối truớc những thách đố mà chúng ta đang đối diện. Trái lại, trong cầu nguyện, chúng ta giang hai tay đến với vị cha yêu thương và đầy quyền năng của mình, Đấng có thể đưa chúng ta ra khỏi những khó khăn bằng những phương thế mà chúng ta không ngờ.
Thánh Phao lô nhắc chúng ta rằng cầu nguyện không phải là chỉ đọc lên một danh sách gồm những nhu cầu của mình lên Chúa, nhưng còn bao gồm việc cảm tạ hồng ân của sự sống và đức tin mà chúng ta đang có - “Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ” (Phil. 4:6). Thông thuờng khi cầu nguyện, chúng ta thường tập trung vào chính mình, mà quên rằng lời cầu nguyện của một Kitô hữu còn phải tập trung vào Chúa. Trong cầu nguyện chúng ta trao đổi với Chúa những căng thẳng và lo âu của mình để nhận lấy sự bình an của Người, bởi vì chỉ có như thế thì “bình an của Chúa, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô” (Phil. 4:7).
Điều thứ hai thánh Phoalô dạy chúng ta là cầu nguyện không chỉ là việc quỳ gối để cầu nguyện, nhưng còn bao gồm những gì mà ngày hôm đó chúng ta suy tưởng. Một lối suy tưởng tích cực. Thánh Phao lô không đòi hỏi chúng ta suốt ngày chỉ suy nghĩ về những lỗi lầm của mình hoặc của thế giới, nhưng theo ngài, con người của cầu nguyện là người luôn suy tưởng về những điều chân thật, trong sạch, công chính, thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt (Phil. 4: 8).
Cuối cùng cầu nguyện phải được biểu lộ bằng hành động. Chìa khoá để tìm kiếm sự bình an trong thế giới của căng thẳng là đừng lo lắng nhưng hãy cầu nguyện và làm những việc cần phải làm. Chúng ta khởi đầu viiệc cầu nguyện trong thánh đường, tiếp tục với những suy tưởng tích cực khi ra khỏi nhà thờ, và phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, như thánh Phaolô viết “điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành. Thì thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.” (Phil 4: 9). Đây là cách mà bình an của Chúa sẽ ở với mỗi người chúng ta.
LM Nguyễn Văn Tuyết