Hơi Thở xem như là bản nguyên của sự sống. Được vận hành từ khai nguyên của sự sống trên trái đất, Sách sáng Thế Ký diễn tả, thuở khai nguyên, không gian còn trong hỗn mang, Ruah (Hơi Thở Thần Linh) bay là là trên mặt nước. Thần Linh sáng tạo đã thởi hơi sự sống vào trái đất, tác tạo nên mọi sự. Trời - Đất, mối tình nguyên thuỷ. Thần Linh của huyền nhiệm sáng thế được diễn tả bằng hơi thở, ở đó huyền nhiệm sự sống đã bắt đầu bằng hai nhịp của sự vận hành: Âm – Dương. Nhịp đôi này biểu hiện của ngày đầu tiên tạo dựng: Sáng - Tối và biểu hiện cặp phạm trù: Trời - Đất. Trần giới giao thoa với thiên giới qua hơi thở thần linh. Đất mang tính âm, sinh sôi nảy nở, phát triển được là nhờ ân lộc của Trời. Trong biểu tượng Âm – Dương diễn tả bằng một hình tròn, đường ranh giới phân chia Trời Đất là một đường uốn cong. Một nửa mang mầu trắng, một nửa mầu đen, trong một vòng tròn ôm lấy nhau, nhà thần học Kabbale Knor nói: “Trời và đất gắn liền với nhau và ôm chặt vào nhau”. Tình duyên của trời đã đem trao vào đất, tình yêu đã phát sinh và luôn không ngừng phát sinh cái mới, cái mới làm say mê, huyền mê cuộc sống trên trần gian này. Một nửa đen của trần thế sẽ được chiếu toả màu trắng của ánh sáng Thần Linh. Bóng tối chỉ tồn tại khi chưa có ánh sáng của ngày chiếu vào. Thần linh đã đi vào trần thế, đó là một sự kiện không thể phủ nhận. “Ánh Sáng đã đi vào trần thế”, Thánh Gioan quả quyết. Trần thế đã bước vào vùng ánh sáng và không thể thoái lui, và sẽ có một ngày bóng tối không còn nữa bời ánh sáng đã tràn ngập. Một ánh sáng không do mặt trời hay mặt trăng mà do vinh quang của Thiên Chúa đã chiếu toả. Việc Thần Linh ôm chặt vào trái đất cho thấy viễn cảnh của ngày huy hoàng chiếu soi, không còn ranh giới của đường cong phân đôi, cũng chẳng còn nửa đen để phân biệt. Tất cả đều đang sống, tham dự vào gia đình của Thiên Chúa nhờ sự vòng tay ôm chặt của Thần linh. Nhịp đôi của hơi thở được diễn tả qua việc thở ra – hít vào. Hít vào là hơi thở mang sự sống, thở ra mang hơi thở sự chết. Sống - chết đan xen nhau luôn chuyển động, Khổng Tử nhìn dòng sông đang trôi, liền nói: “Đêm ngày cứ chảy luôn luôn như thế mãi”, ý nói rằng: Đạo của trời đất cứ lưu hành như nước chảy, không lúc nào nghỉ: cái vừa mới có, đã thành cái quá khứ rồi, liên tiếp nhau mãi. Cuộc sống đều hai nhịp, hít vào là hơi thở sự sống, thở ra là hơi thở sự chết, hai nhịp thay phiên nhau làm tăng trưởng không ngừng cho đến khi không còn thở ra hít vào. Thánh Kinh nói: “Cái cũ đang qua đi và cái mới đang hình thành” (2 Cor 5, 17). Cuộc tái sinh đã bắt đầu từ Chúa Giêsu, Đấng đã mang lấy thân phận của con người từ hơi thở Thần Linh bao trùm người mẹ cưu mang, bà thụ thai bởi phép “Chúa Thánh Thần”. Một cuộc sinh hạ mới cho cả nhân loại trong ngày truyền tin. Thánh Irênê trong cuốn “contre les hérésies” viết: “bạn làm thế nào mà trở thành thần linh khi bạn chưa được làm người? bạn làm thế nào mà trở nên hoàn hảo khi bạn vừa mới tạo thành? …Để trở nên hoàn hảo bạn cần có thời gian hoàn thành chính mình nhờ hồng ân Thiên Chúa tác động. Chính Người dùng đôi tay nghệ nhân của Người biến đổi bạn trở thành tác phẩm tuyệt diệu”. Con người, hít thở với hai nhịp sống - chết, đi lên không ngừng khi để cho Thần Linh hoạt động. Cái cũ là con người cũ đang qua đi để sự sống mới là Chúa Giêsu Kitô lớn lên trong chúng ta. Chúng ta đang được Chúa Thánh Thần khuôn đúc chúng ta lại trong Chúa Giêsu Kitô, con người tuyệt diệu. Chúng ta thấy, niềm tin vào Thiên Chúa khác hẳn và vượt xa mọi khát vọng tìm kiếm của con người và là câu trả lời chân lý cho mọi tìm kiếm. Theo suy nghĩ của Đông Phương cái vòng tròn sinh tử khép kín con người theo chu kỳ Xuân - Hạ - Thu – Đông của đất trời, để dẫn đến sinh rối lại sinh cho đến khi ra khỏi vòng sinh tử mới thực sự được giải thoát, nhưng giải thoát là không còn tham, không còn sân, không còn si, nghĩa là ra khỏi vòng bến mê của ảo vọng mà đạt đến chỗ không còn vọng, không còn gì mê hoặc bởi đã đạt đến cõi “vô”. Giải thoát theo Kitô giáo là đường thẳng đi lên: “dù nguyên tội hay hồng thuỷ cũng không xoá bỏ được lời chúc phúc của Thiên Chúa” (lời chúc nguyện trong Thánh Lễ Hôn Phối). Con người gắn liền với Thiên Chúa vẫn trong thân xác mình ngày càng được thanh luyện, ngày càng được thấm nhuần thần linh để kết quả một ngày nào đó hoàn thành: “Chính mắt tôi sẽ trông thấy Người chứ không ai khác” (Gióp 19, 27). Dòng sinh tử của Kitô giáo là một vận hành đi về phía trước để chính mỗi người sẽ thấy mình được sống sự sống dồi dào nơi Thiên Chúa. Hơi Thở và Lời: Lời và hơi thở gắn liền với nhau như nhịp song đôi, Hơi thở cần thiết để nâng đỡ lời và để lời phát ra cần có hỗ trợ của hơi thở. Thiên Chúa tạo dựng mọi vật bằng Lời và tác tạo nên con người vừa bằng Lời hành động và bằng hơi thở thần linh thổi vào thân xác bụi đất. Thiên Chúa tác tạo và Thiên Chúa duy trì sự sống cho con người. Theo từ ngữ Ruah (Do Thái) đồng nghĩa với pneuma (Hy Lạp) hay spiritus (La Tinh). Hơi thở của Thiên Chúa ban cho sự sống (St, 6, 3), Hơi thở còn thay đổi con người cách toàn diện, tinh thần cũng như thể xác: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Người xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng” (Lc 4, 18). Hơi thở trở nên sức mạnh cho Lời được loan báo, vừa biến đổi con người được sai đi vừa củng cố cho Lời trở nên hữu hiệu đối với người nghe. Lời là hiệu quả của hơi thở, và hơi thở của Thần Linh làm cho Lời trở nên sống động. Lời ban sự sống là nơi Chính Chúa Giêsu: “Thầy mới có Lời ban sự sống” (Ga 6, 68). Sự tác động qua lại giữa lời và hơi thở: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.” (Tv 104, 29 – 30). Được tác thành bởi Lời và Thần Khí, con người có một địa vị cao cả, phẩm giá con người được Thiên Chúa bảo đảm, nơi Thiên Chúa con người được sống và sống dồi dào. Tội chống lại Thần Khí: "Ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán. Vì thế, tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.” (Mt 12, 29 – 32) Tội chống lại Thần Khí, đầu tiên như đã trình bày là tội chống lại sự sống, con người như tự đào huyệt chôn chính mình, điều đó do quyết định tự do của con người. Trong công trình cứu độ nơi từng người, Thánh Augustin viết : “Để tạo dựng nên con, Chúa không cần có con, nhưng để cứu độ con, Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của con”. Thiên Chúa muốn cứu nhưng con người không muốn nên con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Chống lại Thần Khí thứ đến là chống lại sự hoán cải, đổi mới. Theo quy luật tự nhiên, không phát triển có nghĩa là tiêu vong, có phát triển thì có cái cũ loại đi để cái mới hình thanh. Như thế, tự quyết định dừng lại là đồng nghĩa với việc tự quyết định tiêu vong. Không thở ra – hít vào là tự làm ngộp chính mình, cũng thế điều kiện để vào Nước thiên Chúa là hoán cải, không hoán cải là tự kết án mình vào tiêu vong: ”Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." (Lc 13, 5). Tội chống lại Thần Khí còn là tội chống lại Ý định yêu thương của Thiên Chúa. Thiên ý ấy là cho con người sống hạnh phúc nhưng con người lại ưa thích hạnh phúc chóng qua đời này mà sát phạt tranh giành lẫn nhau, đẩy những người yếu thế vào chỗ cùng đinh, bóc lột đến tận cùng sự sống nơi người khác, tự kết án Thiên Chúa và tự kết án lẫn nhau, khiến hạt Lời của Thiên Chúa bị bóp nghẹt dưới bụi gai, hoặc rơi trên những sỏi đá chai cứng của lòng người, hoặc rơi vào vệ đường bên lề của cuộc sống, hò hững và làm ngơ đi trước Lời của Thiên chúa nói trong nội tâm của con người. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến. Và tự trời tỏa ánh quang minh của Ngài ra! Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến, Đấng ban ơn huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến. Lạy Đấng an ủi tuyệt vời, Là khách trọ hiền lương của tâm hồn, Là Đấng ủy lạo dịu dàng, Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than, Là niềm an ủi trong lúc lệ rơi. Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc, Xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài. Nếu không có Chúa phù trợ, Trong con người còn chi thanh khiết, Không còn chi vô tội. Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành chỗ thương tích. Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường. Xin Chúa ban cho các tín hữu, Là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn. Xin ban cho họ huân nghiệp nhân đức, được hạnh phúc cứu độ Và được hoan hỷ đời đời. Amen.