Tục lễ ăn uống hội hè gọi là lễ tạ ơn trời đất vốn đã được người La Mã và Hy Lạp truyền bá từ lâu. Sau đó người Anh, Nga, Na Uy, Hòa Lan, Ba Lan đều có ngày Lễ Tạ Ơn vào mùa Thu.
Câu chuyện Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ phải bắt đầu từ lúc con tàu May Flower chở di dân Thanh Giáo từ Anh quốc đi Tân Thế Giới vào ngày 6 tháng 9-1620 với các gia đình di dân chỉ vỏn vẹn có 44 người. Con tàu Hoa Tháng Năm lịch sử này lại được yểm trợ đông đảo bởi hơn 60 thành viên thuộc thủy thủ đoàn.
Họ đi theo hải trình mà các nhà thám hiểm tiền phong đã mở đường từ trước, vượt Đại Tây Dương 65 ngày để đến miền bờ biển miền Đông Hoa Kỳ.
Khi đến miền đất mới, đám di dân đã trải qua một mùa đông đầu tiên vô cùng khắc nghiệt làm chết 47 người trong số hơn 100 thành viên của May Flower.
Qua mùa Xuân, với sự giúp đỡ của thổ dân da đỏ thuộc một bộ lạc hiền lành kế cận, di dân bắt đầu canh tác và vị thống đốc là William Bradford tổ chức Lễ Tạ Ơn vào năm 1621. Di dân và thổ dân đã có một lễ Thanksgiving đầu tiên tại Hoa Kỳ với các món gà rừng, đậu, bắp của năm đầu gặt hái được mùa. Tất cả các thực đơn chế biến pha trộn theo kinh nghiệm từ các món ăn quê hương Âu Châu phối hợp với các thức ăn của thổ dân da đỏ ở Mỹ châu.
Lịch sử ghi lại là gần 100 di dân tỵ nạn đã cùng với 90 thổ dân tham dự một lễ hội hòa bình suốt ba ngày. Sau mỗi bữa ăn còn có các cuộc thi tài giữa hai bên.
Buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên dù đã mở đầu nhưng rồi tiếp theo những năm sau vì những khó khăn, thiên tai, chiến tranh nên chưa chính thực tạo thành truyền thống. Năm 1789, tổng thống Washington mới ra tuyên ngôn ngày 26 tháng 11 là Ngày Tạ Ơn, nhưng cũng chỉ có một ngày.
Trong suốt 240 năm tiếp theo, Hoa Kỳ có tổ chức nhiều Lễ Tạ Ơn trong các dịp ký hòa ước, tuyên ngôn hòa bình, mừng chiến thắng trên chiến trường nhưng chưa có một ngày Thanksgiving với ý nghĩa thuần túy dâng lời cảm ơn về cuộc sống lên thượng đế. Do đó Hoa Kỳ vẫn chưa có một ngày Thanksgiving thống nhất.
Năm 1830, một nhà báo phụ nữ lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải chính thức tuyên ngôn một ngày lễ tạ ơn cho toàn quốc. Bà tiếp tục đòi hỏi như vậy suốt 30 năm.
Cho đến năm 1863, sau khi chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng thống Lincoln mới có cơ hội tuyên bố ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm sẽ là Ngày Lễ Tạ Ơn.
Từ 1863 đến năm nay 2009 là đã trải qua gần 150 năm, Hoa Kỳ đã làm gì với những ngày Thanksgiving. Một mặt họ giữ truyền thống văn hóa gồm các thực đơn căn bản và đốt ngọn lửa tâm linh trong tinh thần xum họp gia đình. Mặt khác nước Mỹ hùng cường đã có dịp thương mại hóa để ngày Lễ Tạ Ơn trở thành tuần lễ mở đầu cho mùa lễ hội cuối năm, kích thích cả guồng máy kinh tế quốc gia.
Khác với Lễ Giáng Sinh, Thanksgiving vượt lên trên các tập tục tôn giáo. Hầu như mọi gia đình đều có thể tổ chức Ngày Lễ Tạ Ơn theo các tôn giáo khác nhau đúng như 3 ngày Lễ Tạ Ơn của tiền nhân Bắc Mỹ vào năm 1621. Lúc đó các di dân và thổ dân không hề có một lễ nghi tôn giáo nào khác ngoài việc ăn uống, vui chơi.
Ngày Lễ Tạ Ơn hiện nay ấn định vào ngày thứ Năm đã cho Hoa Kỳ có cơ hội dành luôn 4 ngày cuối tuần được coi là tuần lễ bận rộn nhất trong năm. Các xa lộ, phi trường, các trạm xe đều tấp nập. Các tiệm ăn, các chợ thực phẩm phải chuẩn bị nhiều ngày cho các gia đình mua sắm. Những hàng trái cây, các con gà tây nhồi thịt được đặt trước, các siêu thị tấp nập khách ra vào.
Mặc dù người Việt không có ngày Thanksgiving, nhưng sau hơn ba mươi năm định cư ở Hoa Kỳ ngày lễ Tạ Ơn đã trở thành một thói quen trong mọi gia đình , một ngày ghi dấu nhiều kỷ niệm trong bước đầu tị nạn, một ngày có hạnh phúc vui mừng, một ngày có ngập đầy nhớ thương bên kia trời quê hương