Đã gọi là cái tôi tuyệt vời sao nó lại gây tai họa? Tuyệt vời vì nó thoả mãn con người ta, nhưng nó lại gây tai hoạ cho cho chính ta và đôi khi cho cả cộng đoàn.
Chúng ta có thể gọi đó là những cái nhãn hiệu bên ngoài. Nhãn hiệu này thường thường do người khác gán cho ta, nhưng cũng có trường hợp ta tự phong cho mình.
Nhãn hiệu tốt lành: Cái tôi tế nhị
Ta rất tế nhị, không muốn làm phiền lòng ai. Ai nhờ điều gì, có khi ta biết chắc rằng mình không thể giúp được nhưng cũng hứa đại để làm vui lòng anh em. nhưng chính điều đó lại khiến người ta khó chịu khi cuối cùng ta lại chẳng thực hiện lời hứa. Và chính điều đó cũng làm ta áy náy không yên. Khổ thật, ta không có can đảm từ chối lời mời gọi hay yêu cầu của người khác bởi vì ta ngại mất nhãn hiệu tốt lành. Thành thử chính cái tôi tế nhị ấy đã gây tai hoạ cho ta và anh em.
Nhãn hiệu đáng phục: Cái tôi trung tín
Ta nổi tiếng là luôn giữ lời hứa một cách tuyệt vời. Bạn bè phục lăn ta về chuyện đó, dù mưa hay năng, dù khó khăn đến đâu, ta cũng khắc phục để thực hiện lời hứa tới nơi tới chốn. Nhưng cũng chính vì nhãn hiệu trung tín này đã gây cho ta bao bực dọc khó chịu. Bất ngờ, những chuyện không đâu, ở trên trời rơi xuống, khiến nhiều lần ta không thực hiện đúng lời hứa như đã dự định. Quả là một cái tôi tuyệt vời: gây tai họa.
Nhãn hiệu cừ khôi: Cái tôi tài năng
Tôi còn nhớ mang máng một câu chuyện kể rằng. Có một số thày dòng kia chăm chỉ, siêng năng soạn bài giảng với trọn cả tâm tình với mong ước rất đơn sơ: mình chỉ cố gắng làm tròn phận sự người gieo hạt giống Lời Chúa. Nhưng một thời gian sau, danh các thày nổi lên như cồn. Ai cũng tấm tắc khen các thày giảng hay. Thế là từ đó, các thày dồn hết tâm trí của mình vào việc luyện văn sao cho trau chuốt hơn, tìm các câu chuyện minh họa dồi dào hơn, luyện giọng của mình ngọt ngào, đi vào lòng người hơn các đồng môn khác.Một cuộc so tài ngấm ngầm nhưng cũng không kém phần quyết liệt. Vừa mong mình nổi tiếng hơn anh em khác vừa sợ mình thua kém anh em đồng môn. Cái tôi bắt đầu núp đàng sau thúc đẩy các thày làm việc cất lực mong sao cho người nghe cảm phục tài năng ăn nói của mình. Điều quan trọng là chuyển tải sự sức sống Lời Chúa thì các thày quê béng đi rồi. Cái tôi tài năng với nhãn hiệu kỳ khôi đang trên đài danh vọng, hân hoan trong hạnh phúc bừng bừng!! Quả là một cái tôi tuyệt vời: gây tai họa.
Nhãn hiệu oai phong: Cái tôi cao quý
Ngay cả trong lãnh vực Tông Đồ, ta cũng phải làm mọi cách để nhà thờ xứ mình cao hơn, to hơn các giáo xứ bên cạnh; nhóm mình ngon lành hơn nhóm khác; cộng đoàn mình nổi tiếng hơn cộng đoàn khác; ca đoàn mình hát hay hơn ca đoàn khác. Thiên Chúa bị biến thành những sản phẩm kinh tế thị trường. Thiên Chúa của cộng đoàn mình phải huy hoàng hơn cộng đoàn kia. Cùng làm việc tông đồ, nhưng ta vẫn mong họ đừng thành công như mình. Ta chẳng dại gì giúp họ ngang bằng mình… . Người công giáo chúng ta thường tự hào đạo mình là đạo thật do chính Chúa từ trời xuống lập nên. Bất cứ điều gì của Đạo mình thì luôn luôn tốt. Ngược lại, bất cứ cái gì của đạo khác thì đều sai, đều xấu với lời mỉa mai rất ấu trĩ: bọn thệ phản, bọn thờ bụt thần ma quỷ… Thà làm con chó nhà Đức Chúa Trời còn hơn làm quan ở ngoài thế gian!! Chính vì thế linh mục Anthony De Mello đã kể một câu chuyện khá dí dỏm:
Có một người tỉ phú đến xin lễ
Thưa linh mục, xin ngài làm một lễ cho con chó yêu quý của tôi.
Ông nói gì? Làm lễ cho con chó của ông?!!
Nhưng tôi quý nó lăm. Xin ngài dâng một lễ cho nó.
Ở đây chúng tôi không dâng lễ cho chó. Hay là ông thử gặp giáo phái ở dưới phố kia xem sao. May ra họ có thể giúp ông.
Người ấy vừa quay ra vừa than thở với vị linh mục:
Buồn quá, tôi mến con chó ấy lắm. tôi định dâng một triệu đô-la để xin lễ cho nó đấy.
Vị linh mục vội bảo: Khoan đã, sao ông không nói rõ cho tôi biết rằng con chó của ông là CÔNG GIÁO!!
Ngay cả con chó mang nhãn hiệu công giáo còn được coi trọng huống chi là người Công giáo. Chúng ta quá tự hào, quá hợm hĩnh mình với nhãn hiệu Công giáo đến nỗi linh mục Richard Rohr, dòng Phan Sinh đã phải cay đắng thốt lên: Là Công giáo cao cả lắm sao? Tất cả cả chỉ vì ta đồng hoá mình với nhãn hiệu oai phong. Quả là một cái tôi tuyệt vời: gây tai họa.
Nhãn hiệu cao quý: Cái tôi đạo đức thánh thiện
Một nhất nhãn hiệu cao quý nhất, nhưng cũng làm ta đau khổ nhất. Không đau khổ sao được khi con gái của mình lỡ cho tạm ứng trước khi kết hôn. Không hổ thẹn sao được khi mình đôi lúc yếu đuối sa ngã - chỉ một mình biết - mà đi đâu ai cũng tôn vinh mình là ông thánh sống!! Không bực tức sao được khi lỡ mang nhãn hiệu thánh thiện nên đành phải cắn răng chịu đựng những điều tai quái mà kẻ tiểu nhân cố tình đàn áp mình, xài xể mình, bôi nhọ mình. Quả là một cái tôi tuyệt vời: gây tai họa.
Nhãn hiệu uy tín: Cái tôi giấu mặt tài tình nhất
Đây là cái tôi mà có thể nói phần lớn các huynh trưởng chóp bu thích danh vọng trong cộng đoàn dễ bị vướng phải. Vì ta là trưởng cao nhất nên tất cả những gì ta đưa ra đều đúng, đều hợp lý, thậm chí nếu tìm trong Kinh Thánh, thế nào cũng có một vài câu Lời Chúa nào đó làm nền tảng cho kế hoạch của mình. Hầu hết các huynh trưởng đều tự phong cho mình một nhãn hiệu rất ư là tôn quý: ý huynh trưởng là ý Chúa. Các thành viên nghi ngờ điều gì, cần tham vấn đều gì. A lê hấp, cứ đi tìm huynh trưởng, chắc chắn sẽ nhận được những lời khuyên rất khôn ngoan vì đó được coi như ý Chúa, Cứ yên trí, nhắm mắt mà thi hành. Vẫn biết thường thường các huynh trưởng giỏi giang hơn thành viên, nhưng không phải luôn luôn là đúng ý Chúa. Bởi vì con người bất toàn, ngay cả các linh mục, giám mục, giáo hoàng vẫn có những sai sót, đặc biệt là những quyết định liên quan tới vấn đề tổ chức, xã hội, chuyên môn….
Nguy hiểm nhất là bỗng nhiên …đùng một cái… xuất hiện một huynh trưởng khác tỏ ra xuất sắc hơn về một lãnh vực nào đó, có nguy cơ làm lu mờ huynh trưởng chóp bu. Anh dễ bị xao động và dễ cảm thấy bị tổn thương danh dự. Chính lúc này, cái tôi giấu mắt mới bộc lộ được hết tài năng của nó. Nó thỏ thẻ bên tai rằng: Anh là huynh trưởng cao nhất. Anh phải có bổn phận gìn giữ cộng đoàn cho thật tốt. Coi chừng có kẻ khác giả làm người chăn tới phá cộng đoàn bằng những tư tưởng khác lạ so với bài bản chính thức của cộng đoàn. Kẻ đó sẽ gây hoang mang và tạo ra sự chia rẽ, không còn một lòng một trí theo anh nữa đâu. Anh phải nhân danh sự ổn định của cộng đoàn mà khôn khéo loại trừ tên đó một cách rất nhẹ nhàng và hợp lý nhất. Cho dù hơi vô lý một chút, cũng đừng có ngại, miễn sao làm cho hắn chán nản mà tự nguyện rời bỏ cộng đoàn. Anh tránh được tiếng loại trừ anh em. Ngoài ra còn một số đông khác như đàn cừu, chẳng biết cóc khô gì đâu. Họ thường cho rằng tên đó không biết vâng phục, ra là phải.. Cứ thế, tôi bảo đảm với anh tối đa chỉ trong vòng một năm thôi, tên đó đành phải ngậm ngùi biến khỏi cộng đoàn, lúc đó anh sẽ làm vua một cõi. Tiếng nói thì thầm đó chẳng dại gì để lộ mặt thật của nó: đó chính là cái tôi uy tín, cái tôi ganh tỵ ẩn sâu trong cõi vô thức: sợ bị lu mờ trước những huynh trưởng dưới quyền. Quả là một cái tôi tuyệt vời: gây tai họa.
Tóm lại, một khi đồng hoá với nhãn hiệu, ta thường cho rằng đó là những nén vàng, nén bạc Chúa giao để ta phát triển nó lên. Đúng thôi, nhưng khi cọ sát với thực tế, chính những nhãn hiệu tuyệt với đó đã âm thầm dẫn dắt chúng ta hướng theo một đường lối khác: đường lối oai phong, cừ khôi theo kiểu thế gian và ta từ từ rơi vào cái bẫy ngọt ngào do người khác hoặc chính mình tạo nên. Đáng tiếc là hầu như chúng ta khó có thể thoát ra được. Lý do rất đơn giản và mạnh mẽ: Tất cả các nhãn hiệu đó đã khôn khéo khoác lên cái tôi giấu mặt một áo choàng thánh thiện lấp lánh ánh kim sa gây cho chúng ta luôn tin tưởng rằng: ta đang nỗ lực làm tròn bổn phận của mình cho công trình của Chúa!!! Trong khi cái tôi giấu mặt âm thầm lớn lên chi phối mọi suy nghĩ và thọc gậy chỉ huy vào mọi hành động của ta - đặc biệt là trong phạm vi làm việc tông đồ với cương vị hướng dẫn các cộng đoàn. Quả là một cái tôi tuyệt vời: gây tai họa.
Khổng Nhuận