(Nhật Bằng – Bóng Chiều Tà)
(Mt 26: 38)
Chiều có đi hoặc có về. Về nơi đâu/đi chốn nào, hay cứ đứng
đó lặng nhìn người xung quanh, thì người người vấn nhớ và thương, đến u
sầu. Lặng im. Phủ đầy sương. Buồn rất nhớ, và rất thương “đôi cánh chim lùa trong gió”, rất mờ xa, thì nhà nhà vẫn xôn xao, âu sầu, Chúa hấp hối.
Chiều về trong cơn lịm tắt Chúa hấp hối, cũng rất buồn. Buồn, mà sao dương gian lòng người vẫn cứ thờ ơ. Ơ hờ. Lạnh giá. Và, Chúa lộ tâm tư “chiều về” với dân con/đồ đệ, như sau:
“Tâm hồn Thầy sầu buồn đến chết được; anh em hãy ở lại mà thức với Thầy.” (Mt 26: 38)
“Sầu buồn sầu đến chết được”, là điều Chúa tỏ lộ cho dân con/đồ đệ, buổi chiều về? Ở lại mà thức với Ngài, để cảm thông nguyện cầu. Chốn chiều về lặng thinh. Im ắng. Rất hấp hối, đến nỗi thi sĩ viết Tin Mừng theo thánh Luca gọi đó là “cơn sầu buồn, chết lặng, với tâm tư như sau:
“Người lâm cơn sầu buồn, càng khẩn thiết nguyện cầu. Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22: 44)
“Lâm cơn sầu buồn đến chết được”, ngôn ngữ cổ Hy Lạp gọi đó là “Agonia”, đượm tâm trạng phấn đấu, rất hấp hối. Phấn đấu tự đáy lòng. Phấn đấu trong cơn hấp hối vào buổi chiều đời người như thi sĩ ngoài đời còn diễn tả:
“Chiều xa ngoài khơi, thuyền theo giòng nước về chốn xa vời.
Cành hoa phai xác tàn, còn đâu trăng sáng mơ bên vườn lan.”
(Nhật Bằng – bđd)
Chiều hấp hối. Xa khơi. Cuộc đời trôi theo về chốn rất xa vời. Ôi! Bản tình ca. Thiết tha nhiều tình tự của những chết lặng ở tâm can. Trong đó, có tình đời và tình người, là như thế.
Hấp hối theo tầm nhìn Cựu Ước, qua đó ngôn sứ Ysaya coi như một hành xử được Giavê Thiên Chúa chấp nhận chịu đựng đến nỗi chết, như sau:
“Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. (Is 53: 4-5)
Hấp hối buổi xế chiều cuộc đời, có thể là ảnh hình về một hệ quả do con người hành xử từ tạo thiên lập địa, có nam nhân và nữ phụ đầu đời cả gan hành động chống lại ý định của Thiên Chúa, thuở hạnh phúc ở nơi vườn, như thánh nhân tông đồ từng quả quyết;
“Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.” (2Cor 5: 20)
Hấp hối đời sầu buồn, là như ai đó vẫn kiên tâm chấp nhận hành hình theo kiểu thời đại: như GM Oscar Romero và 7 vị linh mục dòng
Tên ở El Savador từng trải nghiệm. Là, chấp nhận cuộc đời buồn đến nỗi
chết, do xã hội nay chai đá bất chấp tình cảnh khốn khổ của dân đen, vẫn bách hại.
Sầu buồn đến chết được, là trạng thái của nhà Đạo, luôn cùng Chúa chấp nhận đến nỗi chết. Chúa sầu buồn đến chết, là bởi thời bây giờ, ở nơi nào đó trên thế giới vẫn có đấng bậc vị vọng chỉ quan tâm đến số lượng người quay về với ràn chiên mình mà thôi. Hoặc vốn dĩ chỉ thoăn thoắt trôi theo tình đời kình chống tinh thần yêu thương đùm bọc, Chúa chủ trương cho con dân mình.
Chúa sầu buồn đến chết được, khi Ngài thấy dân con Ngài chỉ mỗi quan tâm đến chỗ đứng/ngồi trong hệ cấp quyền hành để dành quyền chỉ đạo. Tuyệt nhiên chẳng đoái hoài gì việc thực hiện tinh thần phục vụ nhân quần. Cũng chẳng quảng bá hành xử rất sống lại hầu cứu giúp loài người lại được sống. Sống xứng đáng danh xưng của Đạo. Của Đạo Chúa-là-Tình-Yêu rất đích thực.
Chúa sầu buồn đến chết, trước nỗi buồn của bạn bè người thân Lazarô để rồi Ngài lại phải nhắc dân con/đồ đệ Ngài những điều Ngài từng sống:
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.
Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.”
(Ga 11: 25-26)
Xem thế, thì ngay trong cơn hấp hối sầu buồn đến chết được
của Đức Chúa, dân con/đồ đệ cũng nên nhìn ra sự sống lại đã khởi sắc. Sống lại, không theo kiểu Lazarô lại đã mang hình hài như trước để mà sống. Sống lại, như đã biến thái về tình thân sau khi vượt thắng cơn sầu buồn đến nỗi chết. Sống lại, bằng tinh thần yêu thương sảng khoái rất cảm tạ. Như tâm trạng của người vừa sống sống trở lại sau cơn “đại hồng thuỷ” sầu buồn ở Nhật, như tâm tình gửi nơi thư ở bên dưới:
“Xin chào bạn bè người thân, rất quí mến,
Trước nhất, tôi cảm tạ tấm lòng ưu ái của các bạn đã tỏ lòng quí mến, đối với tôi. Bản thân tôi, thật là cảm kích đến xúc động trước cử chỉ đầy ưu ái của các bạn. Nay, chỉ xin gửi thông điệp đầy tình tự cũng
rất chung đến quý vị. Hãy xem đây như cung cách tỏ bày về tình thân thương ta nối kết.
Chuyện xảy ra ở Sendai này, chừng như không thực tế cho lắm. Nhưng bản tôi lại thấy mình được chúc phúc mới có được những người bạn tốt đang ra tay giúp đỡ, cũng rất nhiều. Nơi chúng tôi đang ở tạm, là ngôi nhà của một bạn, ở đây tôi được sẻ san thực phẩm, nước uống lẫn hơi ấm từ lò suởi kêrôden. Chúng tôi nằm xếp lớp, ngủ thành hàng như cá mòi trong hộp chung một phòng dài. Ăn uống thì vẫn le lói dưới ngọn đèn suốt canh thâu, vừa ăn vừa kể cho nhau nghe những câu truyện êm ả tình thân, vẫn rất đẹp.
Suốt ngày, chúng tôi dọn dẹp khuôn trang cho sạch sẽ. Nhiều vị ngồi trong xe theo dõi tin tức qua màn hình phát sóng hoặc đang chịu khó xếp hàng dài nhận lĩnh nước uống khi có người tình nguyện mở vòi nước tư đem cho uống. Nhà nào còn nước đều uống, đều giăng biển phát không để mọi người cùng đến mà múc, hoặc đem thùng đựng.
Rõ ràng, tại chốn tạm dung tôi đang ở, không có hiện tượng hôi của. Cũng chẳng thấy ai xô ai đẩy giành chỗ đứng để nhận nước uống. Các nhà còn đứng vững trong khu này đều mở rộng cửa cho mọi người đến vì thấy nơi mình ở, vẫn an toàn hơn khu bị động đất phá tan tành. Nhìn cảnh tượng này, người người đều nói: “Ôi sao, trông giống hình ảnh khi xưa mọi người vẫn nhường nhịn nhau. Giúp đỡ nhau.”
Cơn địa chấn vẫn còn râm ran ở nhiều chốn. Nội tối hôm qua thôi, cứ 15 phút lại đã thấy cơn chấn động tiếp đến. Còi báo động hú liên hồi và trực thăng luẩn quẩn ở trên đầu, không chịu nghỉ.
Tối qua, nhà chúng tôi tá túc đã có nước chừng vài giờ, nay lại có cả nửa ngày để hứng háp. Trưa nay, lại có thêm điện để thắp sáng. Có hơi khí đốt kịp nối đến, nhưng toàn bộ khu vực thì chổ có, chỗ không. Người có thứ này, kẻ lại không. Thành thử, mấy ngày nay ra như mọi người chưa được tắm hoặc lau rửa. Ai cũng bực bõ, khó chịu. Nhưng vẫn còn nhiều chuyện để làm, khiến mọi người quan tâm hơn là chỉ nghĩ đến riêng mình. Tôi thấy cũng nên tách bạch những chuyện không cần thiết đến bức bách, để sống theo bản năng, trực giác, tự chăm sóc cho riêng mình. Tách bạch để tồn tại là chuyện không chỉ mình tôi mới thấy được, mà hầu như mọi người ở đây đều cùng như thế. Chừng như chuyện này đang xảy ra với vũ trụ trăng sao như mọi biến cố vẫn song hành. Nhà cửa thì ngổn ngang suy sụp, thấy rất rõ. Cũng có một đôi nhà còn đủ phòng bếp với phòng giặt đang phơi trần dưới ánh nóng như thiêu như đốt, của mặt trời. Kìa, thiên hạ lại đã bắt đầu xếp hàng chờ đợi để được nhận nước uống, cùng thức ăn. Chỉ một ít người còn thong thả đi bộ dắt theo chú chó nhỏ. Tất cả như xảy ra cùng một lúc.
Đây đó, vẫn còn thấy đôi nét chấm phá của trời trông rất đẹp. Nhưng rồi thì, tất cả đều rơi vào cảnh lặng câm, khi buổi chiều về đã sụp xuống. Không thấy có xe nào qua lại. Cũng chẳng thấy có ai bước ra đường dù chỉ để mắt ngó nhìn xem có sự cố nào nữa hay không. Trời về đêm như vẫn được điểm tô bằng những chấm sao le lói đến lạ lùng. Thông thường, tôi chỉ thấy có một hai ngôi đổi dời ở đây đó, nay thì đầy kín cả bầu trời. Núi đồi Sendai nay còn đứng vững, đã lộ nguyên hình hài nổi bật trên vòm trời lộng lẫy.
Và người Nhật thật tuyệt. Tôi về lều để kiểm điện thư và gửi cho các bạn thông điệp này, vì đèn đóm chỗ tôi ở vừa có lại. Kìa, đã có người để sẵn thức ăn cùng nước uống ngay bên cửa. Chẳng biết những thứ ấy do ai mang đến, nhưng đồ ăn vẫn nằm sẵn ở đó chờ tôi về, mà chẳng ai giựt giành hoặc lấy đi. Đây đó, lại thấy vài ba lão ông đầu đội mũ xanh đi hết nhà này đến nhà nọ, xem mọi người có an toàn, hoặc cần điều gì để giúp đỡ. Có vị còn hỏi người lạ từ đâu để còn biết là họ có muốn được giúp đỡ hoặc liên lạc với ai không. Tôi thấy chẳng một ai tỏ dấu sợ sệt hoặc hãi hùng. Ai nấy vẫn cứ nhịn nhường nhau, đó là chuyện thấy rõ. Tuyệt nhiên không thấy dấu hiệu của sợ sệt.
Tin cho biết, sẽ có nhiều cơn hậu chấn nhỏ hoặc một cơn động đất khác cũng lại đến nữa, cũng không chừng. Có thể trong nhiều tháng hoặc vài năm nữa, cũng chưa biết. Hiện giờ, chúng tôi đang thấy rung chuyển, tròng trành, lắc lư, cứ ùng ục. Tôi được cái may là sống ở vùng cao bên trên Sendai, nên vững bụng hơn nhiều nơi trong vùng. Thành thử, dù sao thì nơi đây cũng khá hơn chỗ khác rất nhiều. Tối qua, chồng người bạn của tôi từ miền quê trở về có mang theo ít thực phẩm và nước uống để tiếp tế. Đấy, chúng tôi lại được chúc phúc một lần nữa, vẫn còn hơn được rất nhiều người.
Vào lúc này, tôi như có cảm nghiệm rằng bước tiến hoá của vũ trụ đang xảy đến với thế giới, ngay bây giờ đây. Và theo cách thế nào đó, tôi cũng cảm nghiệm được biến cố ấy đang xảy đến nơi đây, ở nước Nhật này, khiến tâm can mình đang như rộng mở, bung rất lớn. Em trai tôi hỏi tôi có thấy là mình quá bé nhỏ so với tất cả những gì đang xảy đến, không. Tôi thấy không. Đúng hơn, tôi thấy mình là thành phần của những gì đang xảy đến, vẫn to tát hơn mình tưởng. Tựa hồ như cơn “ở cữ” của thế giới thật lớn lao đang lâm bồn. Cái thế giới đang lộ diện nét lộng lẫy của nó, ngay lúc này.
Một lần nữa, xin cảm ơn các bạn đã tỏ bày tình thương yêu chăm sóc, gửi đến cho tôi. Bằng vào tình thương yêu đáp trả, tôi cũng xin gửi đến tất cả, điều tốt đẹp nhiều hơn tôi. Anne.”
Tâm tình của người chứng tên Anne, là thông điệp có từ “cơn sầu buồn đến chết được” mang dáng dấp của tín thư về sự sống lại, rất yêu thương. Ngoan cường. Tín thư đó, chính là tình tự yêu thương cảm tạ sau khi trải qua cơn sầu buồn đến chết. Sầu buồn, nhưng vẫn cảm tạ, như sau:
“Tạ ơn đời. Tạ ơn Người.
vì sáng nay, khi thức dậy, con nhận được tin về bọn con cháu vẫn yên hàn, sống sót.
vì sáng nay con được biết căn nhà mình đang ở, nay còn đó vẫn đứng trụ.
Tạ ơn Người,
vì sáng nay con không phải khóc nhiều về bạn bè/người thân, vẫn còn sống
vì chồng/vợ, con/cháu, anh/chị, mẹ/cha mình không bị vùi chôn dưới cơn sóng.
Tạ ơn người,
vì sáng nay, con còn có thể uống được ngụm nước lã, rất quý giá.
và sáng nay khi thức dậy, con còn được bật đèn chiếu sáng không gian còn mù tối
vì sáng nay khi thức dậy, còn lại vẫn có thể mở vòi nước ấm để được tắm
và sáng nay con không phải thu xếp công việc để đưa tang người thân thuộc vừa từ giã
và con lại cám ơn vì sáng nay vẫn còn sống mà khóc thương những người Nhật xấu số
Tạ ơn Người
và xin Người là Đấng làm cho mọi chuyện không thể thành có thể
để các bà mẹ Nhật Bản còn đủ nghị lực để lại sống cuộc đời đã sống lạ, Ngài ban cho.
Con cầu Người ban cho mọi loài sự bình an cần có để hiểu rõ sầu buồn đang còn đến
Con cầu Người mở rộng mọi con đường để viện trợ từ các nơi vẫn đến được
Con cầu Người gửi nhiều bác sĩ, y tá, thực phẩm và nước uống, là thứ họ đang cần
Cầu cho ai lạc mất bạn bè/người thân vẫn bình an, hy vọng can đảm lên mà tiến bước
Con xin Người giữ gìn lũ trẻ đơn côi, để chúng được núp dưới bóng mát của Người
Con cầu Người nhân danh Đức Giêsu cũng sầu buồn đến hấp hối vì tai ương xảy đến.”
Nói tóm, sầu buồn đến chết được dù có rơi vào buổi hôn hoàng cuộc đời mình, hãy cứ cảm tạ. Vì tất cả là ân huệ. Ân huệ Ngài ban, cả trong cơn sầu buồn đến nỗi chết. Thành thử, có cảm nhận được nỗi
sầu buồn trong đời mới là điều cần thiết. Bởi, có thế bạn và tôi mới biết nhận lãnh sự sống lại, vào mai ngày.
Bởi, chính đó là niềm tin. Và cảm kích. Cảm kích rằng, trong mọi sầu buồn trên đường đời vẫn có đó một kết đoạn. Kết rất hậu, như lời thơ mà nghệ sĩ ở trên còn muốn hát như để dứt đoạn nỡi sầu buồn, của giấc mơ:
“Nhưng giấc mơ tan, vương theo gió bao cung đàn, đâu dáng duyên xưa, một chiều thu ta còn nhớ. Nhớ hồi còn thơ, vai kề vai trong tiếng tơ. Tuy xa vắng ta vẫn mong chờ. Chiều sao hờ hững lạnh lùng thờ ơ.”
(Nhật Bằng)
Nhớ khi xưa, Chúa từng cảm nghiệm nỗi sầu buồn đến chết được. Nhưng, Ngài vẫn sống. Sống mạnh, sống vững chắc để còn vực dậy, rất nhiều người đang sầu buồn. Trong đời mình. Cũng có sầu nhưng không buồn. Vì có Chúa ở cạnh bên lại vẫn đồng hành với mình. Vào mọi lúc.
Trần Ngọc Mười Hai