WESTMINSTER - “Tôi đã sống hơn một trăm năm.” Đó là câu trả lời của cụ ông Nguyễn Hữu Huấn khi được hỏi, “Thưa cụ, năm nay cụ bao nhiêu tuổi rồi, cụ có biết không?”
Vào ngày Thứ Bảy, 2 Tháng Giêng, 2010 vừa qua, có vào khoảng 200 người, gồm con, cháu, chắt, bà con và thân hữu, họp nhau tại nhà hàng Grand Garden, Westminster, California để ăn mừng lễ thượng thọ của cụ Nguyễn Hữu Huấn.
Qua cuộc đối thoại ngắn ngủi với cụ ông Nguyễn Hữu Huấn, tôi được biết cụ sinh năm 1909 tại làng Thanh Quít, tỉnh Quảng Nam. Sau khi cụ bà qua đời năm 2003, cụ vẫn một mình bước theo thời gian, và đến ngày Thứ Bảy, 2 Tháng Giêng vừa rồi, cụ tròn 101 tuổi.
Từ ngày qua Mỹ, tôi đâm nghi ngờ giá trị của câu nói “Thất thập cổ lai hy,” vì với cách thức chăm sóc sức khỏe và sự hướng dẫn về dinh dưỡng cho dân chúng, số người già ở đất nước này vượt qua cửa “thất thập” khá nhiều, nếu chúng ta có dịp đi thăm chỗ cư ngụ của các vị cao niên ở trung tâm senior living hay nursing home. Tuy vậy, sống đến hơn một thế kỷ vẫn là những cuộc đời đặc biệt và hiếm hoi, như cuộc đời của cụ Nguyễn Hữu Huấn.
Nhân lúc khách vẫn còn lác đác, tôi tiếp tục thu lại cuộc đàm thoại với cụ qua chiếc máy thu thanh nhỏ:
“Thưa cụ, cụ có bao nhiêu con?”
“Tôi có mười con.”
“Thưa cụ, cụ có bao nhiêu cháu, chắt?”
“Nhiều lắm, không nhớ hết!”
“Thưa cụ, cụ sống tới hơn một trăm năm, dài lắm! Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, cụ thấy điều gì quí báu nhất? Xin cụ cho con một lời khuyên.”
'Ráng sống ngay lành trước mặt Chúa'
“Con cảm ơn cụ.”
Bên cạnh chiếc bánh sinh nhật với hàng chữ “Happy Birthday 101,” cụ Nguyễn Hữu Huấn tươi tỉnh và khỏe mạnh ngồi đấy để con cháu, họ hàng và quan khách lần lượt đến chúc mừng. Nếu chưa biết cụ, có lẽ khó cho một người khác đoán được tuổi của cụ vì thời gian không làm mắt cụ lòa và cũng chẳng để lại trên gương mặt cụ nhiều nếp gấp.
Theo lời kể của con gái cụ, thì từ cọng tóc tới móng chân, thân thể cụ không có một vết sẹo. Về thể chất thì như thế, còn về trí tuệ cũng khó có vị cao niên ở tuổi của cụ sánh kịp. Nếu quan sát sự linh động của cụ ngày hôm ấy: khi con cháu đến chào cụ và thử trí nhớ, cụ đã gọi tên từng người ra vanh vách khiến ai nấy ngạc nhiên và tạ ơn Thiên Chúa ban cho tuổi già sự minh mẫn lạ lùng.
Cũng theo lời con gái cụ, người săn sóc hàng ngày, thì cụ chưa bị lẫn nên khi nói chuyện với con cháu, cụ thường đem những câu Thánh Kinh thuộc lòng từ xưa ra để dặn dò: “Kính Chúa yêu người. Các con ráng sống ngay lành trước mặt Chúa nghe.”
Mỗi người khi chuẩn bị lìa đời, thường nghĩ đến điều mình sẽ để lại cho thế hệ kế tiếp. Ở nơi cụ Nguyễn Hữu Huấn, mười người con, mười hai cháu nội ngoại và mười ba chắt của cụ được thừa hưởng một di sản thật quí báu: duy trì đời sống tâm linh với Đấng Tối Cao và sự yêu thương dành cho người lân cận.
Khi hỏi thăm con gái cụ về đời sống hằng ngày của thân phụ, chị kể, “Ba em ăn uống như thường. Mùa Hè cũng như mùa Đông, trước khi ba tắm, em phải mở heater cho ấm nhà tắm. Quần áo trước khi đưa cho ba mặc cũng phải sấy cho ấm để giữ cho ba khỏi lạnh.”
Rời bữa tiệc mừng thượng thọ cụ Nguyễn Hữu Huấn, tôi nhớ đến câu nói, “Trẻ cậy cha, già cậy con.” Một lối sống phúc hậu nhưng lại khá hiếm hoi trên đất Mỹ, và băn khoăn làm sao để nêu tấm gương ấy cho thế hệ mai sau.
Trịnh Kim Dung