“Hãy vui với vợ ngươi trong lúc tuổi thanh xuân. Tại sao con bị mê hoặc bởi vợ người khác và ôm ấp một kẻ ngoại tình” (Cách Ngôn 5:18,20).
“Hãy uống nơi bồn chứa nước của con, chẩy từ giếng nước của riêng con. Hãy để suối nước của con là của riêng con, đừng chia sẻ với người xa lạ. Và hãy vui với vợ con trong lúc tuổi thanh xuân con” (Cách Ngôn 5:15,17,18).
“Chớ gì ngực nàng luôn luôn làm con thỏa thuê và con không ngừng say đắm tình yêu nàng” (Cách Ngôn 5:19).
Những lời rất lãng mạn và xem như khích thích dục tình. Nhưng đó là những lời được trích ra từ Thánh Kinh. Những lời đem lại sự sống.
Đúng vậy, những lời trên được trích dẫn từ sách Cách Ngôn đã nói với con người, cách riêng, những ai sống trong đời sống hôn nhân gia đình về hạnh phúc lứa đôi. Chính vì thế Salomôn đã viết những lời trữ tình này: “Hỡi con! Tại sao bị mê hoặc bởi vợ của người khác và ôm ấp một kẻ ngoại tình” (Cách Ngôn 5:20).
Gian dâm, giao du tình dục ngoài hôn nhân là một trọng tội trước con mắt Thiên Chúa. Trong ngày thành hôn, người nam và người nữ đã long trọng thề hứa yêu nhau và trung thành với nhau. Tuy nhiên, hơn 50% những cuộc hôn nhân đã đi đến chỗ tan vỡ, mà phần đông tan vỡ vì ngoại tình. Nhiều cuộc khảo cứu và thống kê về hôn nhân đã đưa đến kết quả là 25% những người vợ, và 44% những người chồng đã có những quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Nói một cách nôm na là đã ngoại tình.
Thật ra, những kết quả khảo cứu này cũng chẳng có gì là mới mẻ, vì trước đây hơn 2000 năm, Thánh Phaolô cũng đã dùng những từ ngữ mạnh khi nói về tệ trạng này: “Anh em không nhận ra điều này là những kẻ tội lỗi sẽ không được thừa hưởng nước Thiên Chúa sao?” Và ngài tiếp: “Đừng lừa dối mình. Những kẻ gian dâm, thờ quấy, hoặc ngoại tình. Những kẻ dâm loạn, trộm cắp, keo kiết, hoặc nghiện ngập. Những kẻ vu khống hoặc trộm cướp sẽ không được gia nghiệp nước Trời” (1 Cor. 6:9). Thiên Chúa cũng đã truyền dậy qua Maisen và sau này chính Đức Kitô cũng xác nhận: Chớ gian dâm, ngoại tình. Đừng ham muốn vợ chồng người.
Khi ban cho chúng ta người vợ, ngài đã chẳng nói với người đàn ông: “Hãy vui với vợ ngươi trong lúc tuổi thanh xuân” (Cách Ngôn 5:18) sao? Hoặc ngài chẳng bảo chúng ta và cho phép chúng ta: “Hãy uống nơi bồn chứa nước của con, chẩy từ giếng nước của riêng con. Hãy để suối nước của con là của riêng con, đừng chia sẻ với người xa lạ” (Cách Ngôn 5:15,17) sao? Và rằng: “Chớ gì ngực nàng luôn luôn làm con thỏa thuê và con không ngừng say đắm tình yêu nàng” (Cách Ngôn 5:19).
Từ ngữ “suối nước” hay “bộ ngực” là một cách nói về những hấp dẫn và hạnh phúc của đời sống tình dục vợ chồng trong hôn nhân. Vì thế, ngài còn cẩn thận nhắc nhở chúng ta: “Hãy để suối nước của con là của riêng con, đừng chia sẻ với người xa lạ” (Cách Ngôn 5:15,17). Bởi vì sự chia sẻ như thế sẽ dễ dàng dẫn đến chiếm đoạt hoặc vuột mất tức là ngoại tình. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Do Thái viết: “Hãy giữ hôn nhân cho đáng kính trọng, và giường ngủ của hôn nhân không bị ô uế” (Do Thái 13:4). Mười giới răn của Thiên Chúa, trong đó ngài đã dành riêng 2 giới răn để nói lên tính cách thiêng liêng, cao cả, và cũng hết sức tinh tế trực tiếp liên quan đến đời sống tính dục: Chớ làm sự dâm dục. Chớ chiếm đoạt vợ chồng người khác.
Con tim chân chính
“Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối”. Bạn và tôi hình như đã nghe lời ca này nhiều lần, và mỗi lần như vậy lại cảm thấy sao đó. Giữa thế giới với bầu khí coi thường những giá trị về luân lý. Thế giới với những “cặp mắt đầy dục vọng tìm kiến gái. Cặp mắt chúng không thôi tìm kiếm phạm tôi. Chúng dụ dỗ những người yếu đuối. Trái tim chúng được đào luyện trong ham muốn” (2 Phêrô 2:14), nhiều con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối đã trở thành những trái tim dối trá và lừa đảo.
Tại những quốc gia mà người đàn bà bị thúc đẩy đi vào những sinh hoạt nghề nghiệp, giao tế xã hội trong môi trường chung đụng giữa đàn ông và đàn bà, thì đây là một cơ hội làm nẩy nở những tình ý lãng mạn, những giao du dễ dàng đưa đến ngoại tình. Trong tâm lý xã hội, khi khảo cứu về ảnh hưởng của những giao du nam nữ trong những môi trường chung đụng cho thấy rằng nhiều trường hợp ngoại tình đã xẩy ra trong những môi trường như thế.
Khi một người vợ mang những chuyện riêng tư, vợ chồng và gia đình ra tâm sự với những người bạn cùng sở. Nàng tưởng làm như vậy sẽ được bạn bè an ủi, giúp đỡ. Nhưng rồi một hôm, có một người chồng cũng có tâm sự với vợ và chàng cũng chia sẻ như thế trong sở làm. Người khó chịu với chồng. Kẻ bất mãn với vợ. Hai kẻ đang chết đuối giữa dòng ấy không cần phải có ai môi giới, tự nhiên sẽ ôm choàng lấy nhau và rồi cả hai cùng chết đuối với cuộc tình mới mà họ cho rằng trước kia họ đã chọn nhầm người, hoặc chưa trưởng thành đủ.
Những hình thức ngoại tình còn có dưới dạng người chủ và người dưới quyền. Ông chủ đẹp, trẻ, và cô thơ ký cũng trẻ và đẹp. Những tình cảm nẩy nở giữa bạn bè trong một hãng xưởng, hoặc cùng một nghề nghiệp. Thời gian ở bên nhau ít nhất là 8 tiếng mỗi ngày, chưa kể những ngày làm phụ trội, hoặc bị bắt buộc phải ở lại làm cho xong công việc. Thời gian ấy nhiều khi còn dài và nhiều hơn thời gian sống với chồng, với vợ hoặc con cái. Như vậy, lời vua Salomôn đã nói: “Hãy để suối nước của con là của riêng con, đừng chia sẻ với người xa lạ.” (Cách Ngôn 5:15), đã xẩy ra đúng với phần lớn những trường hợp ngoại tình mà lý do là người vợ hay người chồng a vô tình đem chia sẻ cái nguồn suối nước của mình với người xa lạ.
Ngoài ra, những tiến bộ của khoa học như trong thời đại tin học của chúng ta, những mạng lưới điện toán được mở ra trong mọi lãnh vực. Trong đó những mạng lưới về tình bạn và tìm bạn, về trao đổi tâm tình, và về đời sống hôn nhân gia đình hay độc thân đã trở thành một cái bẫy sập mà nhiều người đã không ngờ cho đến khi hôn nhân của họ thực sự bị đe dọa hay đổ vỡ.
Điều này xẩy ra rất dễ dàng. Nhà nào cũng có một, hai, hoặc ba chiếc computers. Trong những chiếc computer ấy, ai có thể kiểm soát được những gì mà chỉ có người sử dụng mới biết được. Và cũng trong những chiếc computer ấy, ai biết được người chồng hay người vợ mình đã trao đổi những gì và với ai. Thỉnh thoảng trên truyền hình và trên báo chí, chúng ta vẫn thấy những trường hợp trẻ em, nhất là trẻ em gái vị thành niên bị dụ dỗ đã bỏ nhà hoặc bị cưỡng hiếp ngoài nhà vì đã “chat” – nói truyện trên computer - trong những mục hết sức hấp dẫn nhưng cũng hết sức nguy hiểm. Và trong những trường hợp như thế, mấy ai đã kịp thời hiểu rằng: “Trái tim thì xảo trá và liều lĩnh hơn bất cứ thứ gì” (Giêrêmia 17:9). Ý nói đến sức thu hút và hấp dẫn của tình yêu ngoài hôn nhân. Và chúng ta cũng vẫn thường nghe nói: “Ăn chơi ngon hơn ăn thật!”.
Trong bối cảnh hiện nay và trong những cộng đồng người Việt hải ngoại, những lần về thăm quê hương đã và đang trở thành những đề tài nóng bỏng trực tiếp liên quan đến những hành động ngoại tình.
Trên thực tế, không ai biết đã có bao nhiêu người trong tổng số hằng trăm ngàn người mỗi năm về thăm quê hương đã ngoại tình, và sự ngoại tình ấy có đem đến đổ vỡ của gia đình hay không. Hoặc có bao nhiêu người trong số những người về thăm quê hương đã có những hành động mà ta gọi là “qua đường”, không đem lại hậu quả trầm trọng ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân. Con số thống kê chính thức không có, nhưng những lời đồn đãi, và những cuộc cãi vã, xô xát trong nhiều gia đình liên quan đến những lần thăm viếng như vậy thật sự đang trở thành những quan tâm có tính cách nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều gia đình. Những người đàn ông 50, 60, 70 lấy các em gái 20, 30, 40 đã trở thành những truyện khó tin nhưng có thật. Kết quả là nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ. Nhiều gia đình đổ vỡ. Và nhiều người đã bị lường gạt cả tình lẫn tiền vì đã tò mò, hoặc vụng trộm qua những lần về thăm quê hương.
Nhưng có bao nhiêu người đã nghe và thực hành lời khôn ngoan của Salomôn: “Hơn bất cứ điều gì khác là đề phòng và gìn giữ trái tim con” (Cách Ngôn 4:23).
Đào vi thượng sách
Người khôn ngoan thật bao giờ cũng “đề phòng” chính mình, và không bị ảo tưởng “không gì có thể xẩy ra cho tôi” làm mê hoặc. Người Việt-nam có câu: “Đào vi thượng sách” có ý nói là trong những hoàn cảnh có thể đưa đến nguy hiểm, thì cách tốt nhất là nên “chuồn”. Tránh mặt trong những trường hợp như thế không phải là hèn, là “rùa rụt đầu”, hay bất cứ từ ngữ nào có thể áp dụng. Tránh mặt trong trường hợp mà mình tự biết khả năng chống cự của mình khó thắng, còn được kể là một hành động trưởng thành và khôn ngoan.
Những người thiếu trưởng thành và thiếu khôn ngoan thường có khuynh hướng hành động bốc đồng. Thích những hành động có vẻ anh hùng, khác người. Nhưng thật ra đó chỉ là những hành động nói lên tính ấu trĩ của một tâm lý thiếu trưởng thành, và thiếu khôn ngoan. Trong tâm lý, những tội phạm, nhất là những tội phạm hình sự thường được coi như những thành phần thiếu trưởng thành tâm lý và kém lý trí. Bởi vì một người trưởng thành về tâm lý và tâm linh không bao giờ làm những việc điên rồ và gây đau khổ cho kẻ khác.
Trong đời sống hôn nhân, người khôn ngoan và trưởng thành là người không tự cho mình có đủ bản lãnh trước sức tấn công của những người khác phái. Đặc biệt là những người từng trải trong tình trường. Đối đầu với những người như thế, nguyên việc cho họ một cơ hội để tâm sự với mình, cũng đã đủ để đi đến chỗ thua cuộc.
Không chỉ những người sống trong đời sống gia đình, mà ngay cả những người trong giới tu hành, những người có trách nhiệm với đời sống tinh thần của người khác cũng vậy. Tự cho mình hiểu biết, nhất là tự cho mình mạnh mẽ đủ để không cần phải đề phòng sa ngã, thường rất dễ trở thành mồi ngon cho những cám dỗ. Chúa Giêsu đã dậy mọi người cầu xin với Chúa Cha trên trời: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Nhưng để khỏi sa vào chước cám dỗ thì mình phải “tránh sa dịp tội”. Trường hợp điển hình mà mọi cơ quan truyền thông đã đăng tải trong những ngày gần đây, đó là trường hợp Tổng Giám Mục Emmauel Milingo đã về hưu, giáo phận Luksaka, xứ Zambia.
Vị Tổng Giám Mục này trước đây vào năm 2001 đã công khai lấy một thiếu phụ Nam Hàn trong một đám cưới tập thể thuộc giáo phái “Unification”. Đức Gioan Phaolô II đã phải đích thân gặp gỡ và giúp đỡ ông để đem ông trở về lại với Giáo Hội. Nhưng rồi ngày 24 tháng 9 năm 2006, ông đã bất ngờ công khai xuất hiện tại Hoa Kỳ tấn phong giám mục cho 4 linh mục đã có vợ trong một thánh lễ truyền chức trái với Giáo Luật. Hơn thế nữa, ở tuổi 76, ông đã thẳng thắn tuyên bố rằng ông vẫn tiếp tục sống với người vợ Nam Hàn của mình, và hiện đang hỗ trợ một giáo phái gọi là “Công Giáo Cổ Truyền” trong đó các linh mục được quyền lấy vợ. Ông bị “rút phép thông công” với Giáo Hội. Sở dĩ trường hợp của ông được dẫn chứng ở đây, vì trước đó, ông đã nổi tiếng về những lần ông
trừ qủi.
Tóm lại, bầu khí sở làm, những giao tiếp nghề nghiệp, những cuộc trao đổi tâm tình trên Internet. Hoặc những mối tình vụng trộm mà nhiều người
cứ tưởng là “giỡn chơi cho vui” là những dịp rất nguy hiểm mà những ai trưởng thành về tâm lý và đời sống tâm linh nên cẩn thận xa tránh.
Đắm say tình nàng
Nhưng gìn giữ trái tim của mình thì quan trọng hơn tìm cách tránh những dịp nguy hiểm. Điều này không có nghĩa là cổ võ những hành động liều lĩnh và dấn thân vào những gì nguy hiểm. Hành động gìn giữ trái tim
ở đây mang tính cách tích cực và đến từ hai phía.
Hành động hoặc có những cử chỉ thân thiện, lãng mạn ngoài hôn nhân chứng
tỏ rằng người chồng hoặc người vợ nào đó đã không quan tâm mấy đến những nhu cầu của vợ hay chồng mình. Đặc biệt nhu cầu tình dục.
Có những người vợ không ngừng lạnh lùng, bực tức, hoặc khó chịu với chồng. Rồi từ những bất mãn nhỏ nhoi trong cuộc sống dẫn đến việc lạnh lùng và xa tránh hành động sinh lý. Những người vợ này đã tự đóng nguồn suối nước của mình lại, và để chồng mình chết khát. Và đôi vú của nàng không phải là điều sảng khoái của tuổi xuân chồng nữa, nhưng đã trở thành những trái đắng hoặc trái cấm mà chỉ có thể thèm khát chứ không được đụng chạm đến. Sớm hay muộn, việc làm này sẽ tạo cơ hội cho chồng nàng ngoại tình, vì sự thèm muốn và đói khát tâm lý sẽ khó tránh khỏi những tư tưởng và hành động ngoại tình.
Sinh lý trong hôn nhân là một việc làm thánh thiện và là một bổn phận của cả vợ lẫn chồng. Ngoài ra, sinh lý còn là một nhu cầu tự nhiên của con người. Như vậy, hành động trốn tránh và giam hãm kia sẽ tạo cho “mỗi người sẽ bị kéo xa ra khỏi nhau và bị lôi cuốn vào những ước muốn riêng tư của mình” (Giacôbê 1:14).
Thay vì kiếm tìm những thỏa mãn bên ngoài hôn nhân, vợ chồng cần phải làm sao cho những mối dây kết hợp giữa hai người ngày thêm bền chặt. Họ cần phải có giờ cho nhau. Phải làm cho nhau những cử chỉ nói lên tình yêu, kể cả những hành động lãng mạn. Bởi vì lãng mạn và gợi tình giữa hai vợ chồng là điều cần để đưa tới sự kết hợp của hai con tim và hai thân xác.
Vợ chồng trên nguyên tắc phải trở nên một với nhau bằng cách chấp nhận nhau, và quan tâm lo lắng cho nhau. Nhưng hành động kết hợp nhất là việc hai người trở nên một với nhau trong những trao đổi tình dục. Thánh Kinh kể lại Adong khi gặp Evà liền thốt lên: “Đây là xương của xương tôi và thịt của thịt tôi” (Sáng Thế 2:23). Người vợ chỉ có thể làm cho chồng mình sảng khoái và sống chung thủy với mình nếu như nàng cũng muốn sảng khoái và chung thủy với chồng.
Sự nối kết của đời sống hôn nhân không được buộc bằng sợ giây khôn khoan, hiểu biết, thông minh, giầu có và địa vị. Nhiều nhà bác học, tiến sỹ, bác sỹ, luật sư, kỹ sư. Nhiều thương gia, nhiều nhà đấu tranh xã hội, chính trị gia... mặc dù không thất bại trong thương trường, chính trường, hay ngoài xã hội nhưng đã thất bại trong hôn nhân. Lý do dễ hiểu vì trong hôn nhân, con người ta ngoài lý trí, tài năng, tiền bạc, danh giá còn cần đến con tim, và cả thể xác nữa. Đó cũng là lý do tại sao Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ. Họ có khối óc, có trái tim, và có những phần cơ thể mà người này cần đến người kia.
“Hãy uống nơi bồn chứa nước của con, chẩy từ giếng nước của riêng con. Hãy để suối nước của con là của riêng con, đừng chia sẻ với người xa lạ. Và hãy vui với vợ con trong lúc tuổi thanh xuân con” (Cách Ngôn 5:15,17,18).
“Chớ gì ngực nàng luôn luôn làm con thỏa thuê và con không ngừng say đắm tình yêu nàng” (Cách Ngôn 5:19).
Tình tuyệt vời
“Có mối tình tuyệt vời không?” Và “Có người tình tuyệt vời không?” Những câu hỏi này thường được mọi người nhắc đi, nhắc lại. Nhưng đó cũng là những câu hỏi muôn thuở của hôn nhân. Và điều này dẫn đến một kết luận hết sức cụ thể là “sẽ không có một cuộc hôn nhân nào tuyệt vời”, và cũng sẽ “không có một người tình tuyệt vời” theo đúng cái nghĩa tuyệt vời mà chúng ta thường tìm kiếm cả.
Dù yêu nhau mấy, dù lãng mạng tình tứ mấy, dù tế nhị mấy, dù khôn ngoan mấy, dù tâm lý mấy, cũng sẽ có những hiểu lầm, những va chạm. Và kết quả là sẽ có những khó chịu, bẳn gắt, to tiếng, thở dài, lạnh lùng, giận hờn, khóc lóc, đôi khi chửi thề. Nhưng nếu có những chuyện đó xẩy ra thì cũng chỉ nói lên một cách rất thật, rất người rằng những người sống trong hôn nhân đôi khi không dùng đúng, không xử dụng đúng ý nghĩa hạnh phúc. Kết quả là mỗi người đều phải cố gắng.
Trong những buổi hội thảo, thuyết trình đây đó về đề tài hôn nhân gia đình. Và trong những khóa Dự Bị Hôn Nhân, tôi luôn luôn nói với các thính giả và học viên tham dự rằng: “Sẽ không bao giờ ta có một người chồng tuyệt vời hay người vợ tuyệt vời cả”. Và “chúng ta chỉ lấy được người vợ hay người chồng thích và muốn điều tuyệt vời, và như vậy cũng là quí lắm rồi”. Bởi vì chính cái ước muốn ấy sẽ thôi thúc người chồng hay người vợ cố gắng tuyệt vời bao nhiêu có thể, đồng thời giúp cho nhau đạt tới mức độ tuyệt vời bao nhiêu có thể.
Hạnh phúc hôn nhân không phải là viên ngọc hay viên kim cương mua về để làm giầu hay dùng để trang sức. Nó là một cây cảnh hiếm quí nhưng rất khó trồng và khó chăm. Để được thưởng thức những bông hoa của nó, cần thiết là phải nhẫn nại, biết chăm bón, và biết cách trồng tỉa.
Coi chừng! Nguy hiểm trước mắt
“Đôi môi người đàn bà ngoại tình ngọt như mật, và lời nói nó trơn tru
hơn dầu. Nhưng rốt cuộc, nó đắng đót hơn khổ ngải, và sắc như con dao hai lưỡi” (Cách Ngôn 5:3-4).
Lời sách Cách Ngôn trên cuối cùng dẫn chúng ta đến một thực tế là những hành động gian dối, ngoại tình, sẽ chỉ đem đến kết quả tác hại cho lương
tâm, luân lý, tâm lý, và dĩ nhiên là tạo đổ vỡ cho đời sống hôn nhân gia đình.
Cái căn bản của sự đổ vỡ nằm ngay trong chính tư tưởng và hành động ngoại tình. Tâm lý học cũng dẫn chứng điều này bằng những thống kê cho biết rằng, xác xuất những người ly dị một lần sẽ ly dị tiếp tục những lần sau nhiều hơn so với những người không ly dị. Áp dụng khảo cứu này vào trường hợp ngoại tình cũng vậy. Nếáu một người đã có ý định hay hành động ngoại tình thì người ấy sẽ dễ dàng ngoại tình.
Salomôn đã nói rõ ràng: “Đôi môi người đàn bà ngoại tình ngọt như mật, và lời nói nó trơn tru hơn dầu. Nhưng rốt cuộc, nó đắng đót hơn khổ ngải, và sắc như con dao hai lưỡi” (Cách Ngôn 5:3-4). Thật ra không chỉ môi và lời nói của đàn bà ngoại tình mới đáng sợ, nhưng môi và miệng người đàn ông ngoại tình cũng đáng sợ như thế và có thể là còn hơn thế nữa.
Xét về mặt tâm lý, người đàn bà ngoại tình và ly dị bao giờ cũng thiệt thòi hơn đàn ông, mặc dù cả đàn ông lẫn đàn bà đều là người thua cuộc. Tóm lại, để giữ hạnh phúc hôn nhân gia đình thì người vợ cần phải là dòng suối mát cho chồng. Là “chùm khế ngọt” của chồng. Nàng phải làm cho chồng nàng thỏa thuê không những nơi sự quyến dũ của nàng, mà còn ở nơi tình yêu của nàng nữa. Làm như vậy, nàng sẽ không để chồng nàng “bị mê hoặc bởi vợ người khác và ôm ấp kẻ ngoại tình”.
Phần về phía người chồng, thì cũng phải chứng tỏ cho vợ mình biết rằng mình là người chồng thủy chung và đáng tin cậy. Nghe vợ hơn nghe người đàn bà ngoại tình. Vui với vợ mình hơn vui với vợ người. Và “không bị mê hoặc bởi vợ người khác và ôm ấp một kẻ ngoại tình”.
Nhưng nhất là cả hai người đều phải tâm niệm một điều là mình không phải là người tuyệt vời, và do đó không được đòi hỏi sự tuyệt vời nơi người vợ hay người chồng của mình. Vợ hay chồng cũng chỉ nên uống nước nơi mạch suối giếng nước của mình. Và cả hai cần để ý rằng: “Đôi môi người ngoại tình ngọt như mật, và lời nói nó trơn tru hơn dầu. Nhưng rốt cuộc, nó đắng đót hơn khổ ngải, và sắc như con dao hai lưỡi” (Cách Ngôn 5:3-4).
Tiến sỹ Trần Mỹ Duyệt (Cái nhìn tâm lý đạo đức gia đình)