Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh( 2Mcb 12, 45 ). Hãy dâng thánh lễ và các việc lành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời ( lời nhắn nhủ của GH đầu tháng 11 ). Nghĩ về cái chết, đề cập đến người ra đi để mọi người chúng ta cùng hiệp thông một cách huyền nhiệm vì giữa người sống và kẻ chết trong lòng tin như có một mối giây liên lạc không thể rời xa, không thể tách biệt... Giữa người sống và người chết có một sự kết hợp thật thâm sâu, thật thắm thiết...
Như thế, cái chết không còn là một ngõ cụt, không còn là một chấm hết cuối cùng của con người.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong “ Gẫm về sự chết” đã viết:” Lạy Chúa, con có điên rồ, hẳn Chúa biết rõ ( Cv 68, 69 ). Đời sống bần tiện, lao đao, bủn xỉn,hẹp hòi, rất cần phải nhẫn nại, phải tu bổ, phải được vô cùng thương xót. Con luôn luôn coi cuộc đời của thánh Augutinh như một tổng hợp tuyệt vời: sự khốn nạn và lòng từ bi, sự khốn nạn của con và lòng từ bi của Chúa. Chớ gì, ít ra bây giờ, con có thể tôn vinh Chúa là Thiên chúa tốt lành vô cùng bằng cách kêu cầu chấp nhận và tán tụng lòng từ bi dịu hiền của Chúa...”( Osservatore Romano 34, ngày 21/8/1979 ). Đức Thánh Cha đã gẫm suy về cái chết như một tôn vinh của cuộc đời vì Thiên Chúa thật nhân lành, dịu hiền và hay thương xót.
Còn Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII khi biết rõ thực tế bệnh tình của mình đã nói lên một cách bình thản:” Tôi đã dọn sẵn hành trang”. Chính vì xác tín mạnh mẽ về sự chết, Đức Thánh Cha Gioan 23 đã rất an bình và bình tĩnh đón nhận cái chết. Tình yêu mạnh hơn sự chết, tình yêu nối kết con ngừơi còn sống với người đã chết. Và trong sức mạnh của tình yêu, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá gây chú ý cho mọi người vì nhờ cái chết của Ngài, mọi người đều được lôi kéo đến với Ngài, Ngài đã qui tụ mọi người không phân biệt bất cứ một ai. Ngài đã tha thứ cho cả những kẻ hành hạ, ám hại, lên án và hành hạ Ngài. Sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu trên thập giá là sức mạnh cứu độ. Nhờ sức mạnh ấy, con người, loài người và mọi người được cứu độ:” Ơn cứu độ nơi Người chan chứa “. Chính trong giờ phút tối tăm của cuộc đời, trong giờ hấp hối, Chúa Giêsu đã minh chứng:” Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Tình yêu nối kết con người, tình yêu tha thứ và tình yêu từ bỏ. Chúa Giêsu đã nói:” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ).
Đức Giêsu đã yêu nhân loại cho tới cùng, Ngài vẫn tiếp tục yêu con người và từng người không ngừng. Trong cái chết của Chúa Giêsu, nhân loại giao hòa với Thiên Chúa, với Ngài và với mọi người. Hiệp với cái chết của Chúa, nhân loại có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với nhau, cầu nguyện và tưởng nhớ tới những người đã chết. Không ai tránh khỏi cái chết: ai cũng phải một lần ra đi ai cũng phải một lần từ giã cõi đời, từ biệt những người thân thương để trở về với Đấng đã dựng nên mình, trở về với Đấng đã yêu thương mình. Người quá cố có thể là ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em và những người thân thương của ta hay những người mà ta chưa bao giờ quen biết, những kẻ đã từng làm hại ta vv...Trong cái chết của Chúa Giêsu, mọi người sẽ thông cảm và tha thứ cho nhau. Vì cái chết của Chúa Giêsu là nguồn ơn an bình và tha thứ...
Cầu nguyện cho những người đã chết để họ được giải thoát là một ý nghĩ lành thánh ( 2 Mcb 12, 46; GH 50 ). Lời cầu nguyện của mọi người còn sống có sức mạnh giải thoát tội lỗi của những người quá cố, nhưng đồng thời chúng ta cũng được thừa hưởng lời chuyển cầu của các Ngài ( Giáo Lý Công Giáo).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết yêu thương cầu nguyện cho những người đã chết vì người sống và kẻ chết có một mối giây liên kết vững bền, thâm sâu và không tách rời.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi. DCCT
~~~~~~~~~
Lc 23,33-34.39-43
Giáo Hội Công Giáo dành trọn tháng Mười Một để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Họ là những người thân của chúng ta, hoặc cũng có thể là những người mà chúng ta không biết. Nhưng mọi người đều có chung bổn phận là cầu nguyện cho những người đã qua đời. Những linh hồn nơi Luyện Ngục là những linh hồn thánh thiện, nhưng để được vào Thiên Đàng, họ còn cần phải thanh tẩy cho trong sạch vẹn tuyền.
1. Các linh hồn cần phải thanh luyện
Thiên Chúa là Đấng Thánh (Tv 99,5), nên những người đến với Chúa cũng phải thánh thiện cách trọn vẹn. Những linh hồn mà chúng ta cầu nguyện hôm nay là những người sống trong ơn nghĩa Chúa và chết trong ơn nghĩa Chúa. Nhưng vì là con người yếu đuối nên không tránh khỏi những khiếm khuyết, cho nên các ngài cần phải tẩy rửa trước khi vào hưởng Tôn Nhan Chúa. Sau khi lìa khỏi xác, linh hồn không còn lập công được nữa, mà chỉ còn cách trông chờ những người trên trần gian cầu nguyện cho mà thôi.
Nhờ việc lành phúc đức của Giáo Hội tại thế, các linh hồn “nơi” luyện ngục mới mau chóng nên tinh tuyền để diện kiến Tôn Nhan ( Ga 5,37 ). Tức là các ngài đã mặc áo cưới (Mt 22, 12) để dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19,8-9). Về việc phải thanh luyện nơi luyện ngục, có lẽ không ai tránh khỏi - trừ Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm. Nói như thế có người thắc mắc : trong bài Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu hứa với anh trộm lành : Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi (c. 43).
Vậy ta phải hiểu câu này như thế nào? Theo quan niệm của người Do Thái thời Chúa Giêsu thì Thiên Đàng là nơi những người công chính chờ ngày phục sinh. Tương tự như La-da-rô sau khi chết được các thiên thần đem vào lòng Áp-ra-ham (Lc 16,22). Phải chăng Thiên Đàng theo quan niệm của người Do Thái tương tự như “Luyện Ngục” mà những người công chính cần phải thanh luyện? Dù thế nào chăng nữa, linh hồn nào chưa xứng đáng thì cần phải thanh tẩy. Vì cần phải thanh tẩy, nên các linh hồn cần những lời cầu nguyện của Hội Thánh.
2. Hội Thánh cùng thông công
Đây là điều mà chúng ta hằng tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Có nghĩa là các thành phần của Hội Thánh: những người Tại Thế, những người trong Luyện Ngục, các thánh ở trên Thiên Quốc đều liên đới với nhau. Liên đới trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ. Quan trọng là ta có cảm nhận được hay không!
Những linh hồn trong Luyện Ngục ngày đêm họ đang trông chờ lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta có luôn ý thức điều này không? Những việc lành chúng ta làm sẽ giúp họ đền tội, thanh tẩy tâm hồn để chóng vào hưởng Tôn Nhan Chúa. Khi đã được vào Thiên Đàng, các ngài lại cầu bầu cho chúng ta. Việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục là một việc thánh thiện, như Công Đồng Vaticanô trong hiến chế Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết: “Giáo Hội Lữ Hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết, và cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...” Với Mầu nhiệm Hội Thánh Cùng Thông Công, việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục là một bổn phận của mỗi người chúng ta. Hơn nữa, đối với người Công Giáo Việt Nam nói riêng, và với người Công Giáo Á Châu nói chung còn là việc thi hành chữ “Hiếu” với ông bà tổ tiên.
3. Tháng 11 là tháng hiếu thảo
Trong một lớp Dự Tòng, có một anh bạn học viên theo đạo Ông Bà tỏ ra rất băn khoăn, lo lắng. Hỏi ra mới biết. Anh ta sợ rằng, khi theo đạo Công Giáo thì bất hiếu với tổ tiên. Vì người Công Giáo không cúng cho tổ tiên, nên ở dưới Suối Vàng ông bà tổ tiên bị bỏ đói!Phải chăng người Công Giáo bất hiếu với những người đã qua đời?
Ta có thể trả lời ngay rằng, người Công Giáo không những không bất hiếu với tổ tiên, mà trái lại còn rất có hiếu với những người đã qua đời. Nhưng cách hiếu thảo của người Công Giáo thì khác. Trong một năm, Giáo Hội dành hẳn một tháng để cầu cho những người quá cố. Rồi hằng ngày người Công Giáo đều cầu nguyện cho những người đã khuất.
Ta cứ thử làm một phép tính xem, trên Thế giới mỗi ngày có bao nhiêu Thánh Lễ được cử hành. Mà trong mỗi thánh lễ đều cầu nguyện cho những linh hồn nơi Luyện Ngục! Ngoài Thánh Lễ ra, còn bao nhiêu việc Phụng Vụ và các việc đạo đức khác. Những việc này đều thông công với các linh hồn nơi Luyện Ngục.Không còn nghi ngờ gì nữa, người Công Giáo rất có hiếu với những người đã khuất.
Đặc biệt trong ngày lễ cầu cho các linh hồn, chúng ta càng ý thức hơn về việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện Ngục, trong đó có thể có cả người thân của chúng ta. Xin Chúa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, cùng với lời bầu cử của Đức Mẹ và các thánh, giúp cho các linh hồn nơi Luyện Ngục được tinh tuyền để các ngài mặc áo cưới mà vào dự tiệc cưới của Con Chiên. A men.
Tephano