Việt Nam có câu tục ngữ “Đồng tiền liền khúc ruột”, nói lên não trạng chung của con người mọi thời đại, đối với họ đồng tiền như một phần thân thể nên chúng đã trở thành “vật bất ly thân”... Trên nhiều bình diện, mấy ai lại không lo tích lũy cho mình các của cải vật chất (tiền bạc, nhà cửa, máy móc, ruộng vườn… ) và tinh thần (kiến thức, danh vọng, tình yêu… ). Cộng thêm bản chất luôn thay đổi và tinh thần cầu tiến (có khi trở thành tham vọng), con người có nguy cơ rơi vào tình trạng suốt đời chỉ lo tích lũy, mà không kịp tiêu hóa hoặc sinh lợi (phục vụ). Giống như chàng thanh niên trong câu chuyện sau đây :
Hôm ấy, trời vừa rạng sáng, một ông hoàng nói với tên đầy tớ :”Xem chừng anh mơ ước được giàu có lắm thì phải ? Vậy từ giờ này cho tới lúc mặt trời lặn, anh có bao nhiêu sức thì cứ chạy. Tất cả những ruộng vườn anh chạy vòng quanh được, tôi sẽ cho anh hết”. Quá sung sướng, tức thì chàng cắm đầu chạy, chạy vùn vụt. Chín mười tiếng đồng hồ qua, chàng ta làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt. Vừa dừng chân, thì một khu rừng mơn mởn hiện ra trước mắt cám dỗ chàng. Không kịp thở, chàng lại cắm đầu chạy tiếp, chạy một vòng dài nữa. Cũng vừa dừng chân, lại một hồ cá mênh mông, huyền ảo chiếu ánh mặt trời đã xế chiều, cuốn hút chàng. Lại một vòng nữa…cứ thế chàng tiếp tục chạy. Sau cùng, màn đêm đã phủ xuống trên mọi nẻo đường. Chàng hổn hển quay bước trở về nhà, để làm tỉ phú. Nhưng vừa bước chân qua ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống đất bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc men săn sóc… nhưng vô hiệu. Chàng tỉ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực quá mức. Cuối cùng, người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng đất, vừa dài, vừa rộng, nhưng không quá ba tấc đất.
Lòng tham không cần bị nhiều của cải cám dỗ mới nổi tính tham. Như những người ăn mày gắn bó với manh chiếu rách, với chiếc áo tơi đến độ có thể “ăn thua đủ” với những ai lấy cắp chúng. Vì thế đức tính đầu tiên chúng ta cần phải tập là tinh thần từ bỏ, dùng của cải như những phương tiện chứ không phải như một mục đích. Giáo huấn của Chúa Giêsu qua bài Tin mừng Lc 14,25-33 sẽ giúp chúng ta hiểu giá trị sâu xa của sự từ bỏ những cái hữu hạn, bất toàn ấy để đạt được cái vẹn toàn, hoàn hảo hơn.
Nhiều người mến mộ Chúa Giêsu, nhưng không phải ai cũng trở thành môn đệ Người. Muốn là môn đệ Chúa, phải tuân thủ những đòi hỏi khắt khe của tình yêu, một tình yêu dám chết cho người mình yêu được diễn tả cụ thể qua việc từ bỏ. Chúa Giêsu đã khẳng định như vậy :”Ai đến với Ta mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta”. Động từ Do thái “ghét” (dứt bỏ, từ bỏ), ở đây được hiểu theo nghĩa so sánh, có nghĩa là đặt ở hàng thứ yếu, không ngang hàng. Nên lời Chúa dạy ở trên chỉ có nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn cha mẹ, vợ con,… Do đó, theo Chúa là đi theo tiếng gọi của tình yêu. Một tình yêu dấn thân trọn vẹn, đòi hỏi phải yêu mến Người trên hết mọi sự, hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Theo Chúa là một chuyện nghiêm túc cả đời người, phải suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng, không thể theo một cách nửa vời, hời hợt. Như trong dụ ngôn người xây tháp và vị vua chuẩn bị ra trận cho thấy tính nghiêm túc của vấn đề : phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu tan. Hành trình theo Chúa đòi hỏi phải liên tục, xuyên suốt cuộc đời mỗi người và chắc chắn cũng để lại không ít đau khổ, dằn vặt. Bởi từ bỏ mọi sự để theo Chúa không chỉ là từ bỏ những gì mình có, những gì ở bên ngoài mình mà từ bỏ những gì thiết thân nhất, tình cảm sâu xa nhất và hơn hết là phải từ bỏ chính mình. Dĩ nhiên, Chúa chẳng vô lý đòi hỏi chúng ta bỗng dưng phải bỏ cha mẹ, vợ con, bạn hữu, mạng sống và của cải. Vì con người ở đời phải có những thứ ấy. Và nếu nó giúp ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì có chi mà phải ghét bỏ ? Nhưng khi những thứ ấy trở thành chướng ngại vật, thì hôm nay Chúa bảo chúng ta phải dứt khoát lựa chọn.
Thánh Phaolô trong bài thư (Plm 9-10.12-17) gửi cho một người bạn ở Côlôsê là Philêmon cũng đặt ông này trước một lựa chọn. Ônêsimô trước đây khi trốn khỏi nhà ông là tên nô lệ, nhưng bây giờ khi trở lại, anh đã trở thành con Chúa và là anh em của ông. Philêmon sẽ đón nhận anh như một ông chủ thế gian gặp lại tên nô lệ đã trốn đi, hay ông cư xử như một môn đệ của Chúa, đón nhận anh như một người anh em, một đồng đạo và là bạn hữu ? Ông có thể xử sự theo lẽ tự nhiên hoặc theo tiếng gọi của Chúa ? Chúng ta không được biết Philêmon xử trí như thế nào. Nhưng một bức thư thống thiết đầy tình người của Phaolô, chắc chắn đã có hiệu quả tốt đẹp. Khiến Philêmon bỏ lòng giận dữ, khước từ quyền lợi thế gian, cho phép mình đón nhận lời Phaolô như sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để xử sự như một người môn đệ tốt của Chúa Giêsu. Ông xứng đáng trở thành gương mẫu cho chúng ta khi nghe tiếng Chúa mời gọi trong những trường hợp cụ thể của cuộc đời trần thế. Do đó, chúng ta phải khiêm tốn cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp để biết lựa chọn cách khôn ngoan. Sự khôn ngoan đích thực nơi Thiên Chúa sẽ đến với những ai biết lắng nghe lời Người và khiêm tốn đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Phanxicô Xaviê