Trong tạp chí bách khoa văn học số 6 năm 1991 có đăng câu chuyện với tựa đề: "Mùi cọp".
Có đôi vợ chồng trẻ nọ, chồng là giảng viên Đại học, vợ là diễn viên và là người dạy thú của đoàn xiếc. Hai con người, hai nghề nghiệp và hai tính khí hoàn toàn khác nhau, trước khi lấy nhau hai người đã nghe không biết bao nhiêu người khuyên rằng: Họ sẽ không bao giờ hạnh phúc bên nhau. Chồng thì ngồi ghế giảng viên Đại học, vợ suốt ngày cầm roi dạy cọp trong chuồng thú của đoàn xiếc, nhưng tình yêu đưa họ bay lên với những giấc mơ tuyệt đẹp. Người chồng giảng viên Đại học mặc dù thấy nghề dạy thú của vợ mình có một cái gì không bình thường, nhứt là mùi cọp lúc nào cũng hăng hắc từ thân thể của vợ, anh vẫn yêu vợ tha thiết. Cái mùi cọp thật là khó chịu nhưng người diễn viên dạy thú thì không thể không cần đến cái mùi ấy. Chính vì cái mùi ấy mà bầy cọp dữ mới nhận ra cô và vâng lời ngoan ngoãn.
Cho đến một hôm, hai người giận nhau, tình trạng ấy kéo dài nhiều ngày, cuối cùng người vợ chủ động làm lành. Cô chọn một giải pháp rất bất ngờ đối với người chồng và cũng rất xa lạ đối với cô. Đó là tẩy sạch mùi cọp và thay vào đó mùi nước hoa thơm phức. Thế là họ đã làm hoà với nhau. Nhưng đêm hôm sau người vợ ấy chết. Người nữ diễn viên dạy thú đã chết vì con cọp dữ mà cô đã thuần hoá, nó không nhận ra cô nữa vì mùi cọp quen thuộc không còn mà chỉ có mùi nước hoa hồng xa lạ. Con cọp hoảng hốt trước mùi lạ lẫm đó đã phải tự vệ bằng cách tấn công. Chỉ trong khoảnh khắc người nữ diễn viên dạy thú đã tan xác vì những móng vuốt sắc nhọn của con cọp mà cô đã hết lòng thương yêu.
***
Quý vị và các bạn thân mến,
Xin được mượn câu chuyện "Mùi Cọp" trên đây như một dụ ngôn về tình yêu. Người vợ vì yêu thương chồng đã chấp nhận gột rửa chính mình và cuối cùng phải hy sinh mạng sống mình. Yêu đích thực không là chết đi một ít mà là chết đi một cách trọn vẹn để được sống lại. Đó là ý nghĩa của cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã yêu và yêu cho đến cùng, nghĩa là sẵn sàng hiến mạng sống mình vì loài người và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài là sự sống bừng dậy từ tình yêu ấy. Trong phụng vụ của đêm vọng Phục sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta lập lại lời hứa ngày chịu phép rửa. Trong phép rửa, chúng ta đã được mai táng với Chúa Kitô, đã được sống lại trong sự sống mới. Mai táng với Chúa Kitô có nghĩa là chôn cất con người cũ tội lỗi của chúng ta, là khước từ cái mùi tử khí ô uế của tội lỗi, là từ bỏ tất cả những gì kéo chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: Hãy mai táng con người cũ tội lỗi để được Phục sinh với Chúa Kitô.
Nguyện xin Chúa Kitô chiếu rọi ánh sáng của Ngài vào tâm hồn u tối của chúng ta, để chúng ta hiểu được những đòi hỏi đích thực của đời sống đức tin.
***
Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con đi trên con đường tình yêu của Chúa. Xin ban sức mạnh và sự can đảm cho chúng con, để chúng con có thể chiến đấu chống lại những sức mạnh tăm tối đang lôi kéo chúng con vào tội lỗi. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: Theo Chúa là bước đi trên đường của chiến đấu và hy sinh vì Chúa. Xin cho chúng con biết sẵn sàng hy sinh tất cả miễn là được sống trong tình yêu của Chúa.
R. Veritas