Trí khôn đần độn, thiếu mở mang dẫn đến những tư tưởng hẹp hòi, giới hạn, thiếu sáng suốt. Nó chính là nguồn gốc sinh ra những tranh cãi, bất hòa, chiến tranh và đổ vỡ. Nó cũng cònảnh hưởng cả đến đời sống hôn nhân gia đình nữa.
Tâm lý học và sinh vật học đã chứng minh được mối tương quan này, và đã cho thấy đầu dây mối nhợ của nó bắt nguồn từ não bộ.
Khoa học giải thích những tư tưởng, suy nghĩ của con người bằng những nghiên cứu của các nhà nhân chủng học (anthropologist). Họ đã so sánh cấu trúc và sự hình thành não bộ của con người và loài động vật gần nhất với con người là loài khỉ. Kết quả cho thấy là tầng sâu não bộ (limbic) của con người cũng như loài khỉ phát triển như nhau. Nó điều khiển và hướng dẫn sinh hoạt của bản năng và tình cảm. Vì theo bản năng và tình cảm, những hoạt động này lại tạo ra ước muốn tham lam và chiếm đoạt. Tuy nhiên, ước muốn tham lam và chiếm đoạt của loài vật được điều khiển một cách tự nhiên theo nhu cầu và môi trường sống. Thí dụ, khi có thức ăn nhiều thì loài khỉ sinh sản nhiều. Khi thức ăn ít, chúng sinh sản ít. Ngược lại, trong thế giới con người, định luật này xem như trái ngược. Càng giầu có, càng tham lam. Càng có của ăn, càng tham ăn. Vì thế, người Việt chúng ta gọi lòng tham là chiếc túi không có đáy. Điều này có thể kiểm chứng được khi nhìn vào thế giới hôm nay, tại nhiều nơi trên thế giới, kẻ giàu thì giàu thêm, mà người nghèo thì càng nghèo mạp rệp, đúng với câu: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”!
Nhưng não bộ con người không dừng lại ở tầng sâu (limbic) ấy, mà quan trọng hơn là tầng ngoài gọi là Cortex. Ở đây não bộ con người phát triển tinh vi và phức tạp hơn loài khỉ. Nhờ sự phát triển của Cerebral Cortex, con người mới biết sử dụng ngôn ngữ và tư tưởng. Ngôn ngữ để truyền đạt tư tưởng. Tư tưởng dẫn đến những nhận thức cá nhân, và từ đó nẩy sinh khác biệt. Điều này làm cho con người trổi vượt xa hơn mọi loài thụ tạo hữu hình.
Vì mỗi người có một cấu trúc và tầm mức phát triển riêng biệt của Cortex, nên đây là điểm đưa đến tranh chấp, bất hòa, và đôi khi trở thành thù địch với nhau. Ảnh hưởng này bao trùm mọi sinh hoạt và trên mọi hình thức từ văn hóa, xã hội, tâm lý, chính trị, giáo dục, tôn giáo...
Ngoài ra, sự phát triển của vỏ não bộ và sản phẩm tư duy, ngôn ngữ của nó cũng như những hậu quả của tư tưởng còn dẫn đến một nhận thức tiêu cực khác liên quan đến tính tham lam, ích kỷ đó là ý muốn được sở hữu, chiếm đoạt. Ý muốn này làm chủ óc thống trị. Trải qua chiều dài lịch sử, óc thống trị này được thể hiện qua những hình thức nô lệ, thực dân, và bá quyền của các triều đại, các vương quyền, thể chế chính trị. Ngay cả trong tôn giáo, óc thống trị cũng đã là nguyên nhân đưa đến bao phong trào ly giáo, phản giáo, độc tôn tôn giáo, và cuồng tín. Những cuộc Thập Tự Chinh của thời Trung Cổ, và những khủng bố, bắt bớ tôn giáo xưa kia và hiện nay tại nhiều quốc gia vì bất đồng tín ngưỡng là những thí dụ điển hình về óc thống trị tôn giáo. Ngoài ra, nó còn được tìm thấy trong hệ thống gia đình của nhiều nền văn minh. Thí dụ, quan niệm trọng nam khinh nữ. Quan niệm chồng chúa vợ tôi do ảnh hưởng xã hội phong kiến trước đây của nền văn hóa Trung Hoa, Việt Nam, và nhiều quốc gia thuộc thế giới Hồi Giáo.
Vì ý thức là phần riêng của hiểu biết mỗi người, nên ý thức đã trở nên nguồn gốc của cái tôi. Mà vì cái tôi này được điều động, kích thích do bản năng tham lam, ích kỷ, và chiếm đoạt, nên ai cũng muốn cái tôi của mình trở thành cái tôi siêu việt, duy nhất, độc tôn. Do phát triển theo khuôn mẫu cứng ngắc, chủ quan tính này đã làm ta mất đi cái nhìn khách quan, và không cho phép ta khám phá thế giới đa dạng bên ngoài, và của người khác.
Trong hôn nhân, nhất là những cuộc hôn nhân đỗ vỡ, chủ quan tính này được tìm thấy qua sự thù hận, và đổ lỗi cho nhau. Nó cũng cắt nghĩa tâm lý chán chường của nhiều cặp vợ chồng sau những năm tháng dài chung sống nhưng hai bên vẫn không thoát ra khỏi cái vô minh của mình.
Trạng thái thiếu sáng suốt đó xẩy ra vì tư tưởng và trí khôn thiếu trưởng thành để đạt tới khả năng trực nhận thực tế. Chính vì thế, cái mà người này cho là đúng, người khác lại cho là không đúng. Cái mà người khác cho là hay, là tốt, người kia lại cho là dở, là xấu.
Hiểu biết và diễn tả sự hiểu biết như vừa trình bày, ngoài việc bị chi phối do sự phát triển của vỏ ngoài não bộ, nó còn bị ảnh hưởng bởi những lý do đến từ thế giới bên ngoài. Do đó, muốn hiểu một người, muốn thấu triệt một vấn đề cần phải có thời gian; nhất là phải có sự truyền đạt hiểu biết một cách chính xác. Nhưng ai là người có khả năng truyền đạt tư tưởng của mình một cách chính xác 100%, và ai là người có thể hiểu và diễn tả những tư tưởng được truyền đạt ấy 100%?!! Kết quả dẫn đến hiện tượng “ông nói gà, bà nói vịt” mà quan niệm bình dân cho đây là một hình thức “khắc khẩu”.
Xét về khoa học, hệ thống thần kinh con người là một hệ thống cực kỳ phức tạp. Nhưng tự nó lại giao thao, nối kết với nhau một cách hết sức uyển chuyển, nhịp nhàng (plasticity of the nervous system). Theo những khảo cứu có tính cách khoa học, những người dễ dãi, hòa đồng, thì khả năng nối kết của hệ thần kinh được nhanh chóng, và làm gia tăng khả năng đón nhận dữ kiện. Khi học hỏi, cũng như khi nhận thức điều gì các tế bào thần kinh sẽ liên kết với nhau một cách mật thiết và dễ dàng hơn. Ngược lại, ở não bộ những người cố chấp và ngoan cố, sự giao lưu của các tế bào thần kinh bị giới hạn, khiến khả năng tiếp nhận trở nên rời rạc, khó lòng. Điều này cũng xẩy ra nơi những đầu óc mê tín, dị đoan. Nơi họ, não bộ ít nhiều mất đi sự nối kết uyển chuyển của hệ thần kinh. Tóm lại, ở những người mê tín hay cuồng tín, cũng như những người nóng nẩy, võ đoán, trong lúc suy nghĩ, các tế bào thần kinh não bộ của họ gặp phải ngãng trở giao thông và không nối kết với nhau một cách dễ dàng khiến tư tưởng họ, nhận thức họ bị tồn đọng, phiến diện.
Suy nghĩ chín chắn sẽ dẫn đến kết quả chín chắn. Ngược lại, suy nghĩ phiến diện, vộ vàng, thường đưa đến hậu quả tiêu cực và xấu. Khi suy nghĩ là lúc trí khôn làm việc để vẽ ra những gì mà ta đang dự tính từ trong tư tưởng. Và những con đường ấy sẽ dẫn đến kết quả qua hành động. Chính vì thế, Chúa Giêsu cũng đã nói: “Đầy trong lòng mới tràn ra ngoài miệng” (Mt 12:34). Cái đầy trong lòng ấy là những tư tưởng của suy nghĩ và cái tràn ra bên ngoài ấy là những hành động. Đi xa hơn nữa, Ngài còn nói: “Ai nhìn xem một người phụ nữ mà có tư tưởng phạm tội với người ấy là đã phạm tội rồi” (Mt 5:28). Triết học cũng căn cứ vào điều này để đi đến kết luận “tư tưởng dẫn đến hành động”.
Trong óc con người luôn luôn có những biến chuyển của dòng chảy tư tưởng. Và dòng chảy ấy sẽ dẫn đến những hành động. Suy nghĩ đúng hành động đúng, suy nghĩ sai sẽ dẫn đến hành động sai lạc. Thế nên để dòng chảy này được đi đúng hướng, điều quan trọng là chúng ta phải biết hướng dẫn nó. Bằng cách nào?
Bằng cách dành cho mình mỗi ngày 10, 15, hay 30 phút thư dãn, hoặc theo tôn giáo là tĩnh tâm, cầu nguyện. Đây là những giây phút chỉ dành riêng cho mình. Những giây phút riêng mình đối diện với mình và với Thiên Chúa. Mục đích là để tìm về cội nguồn của chính mình như lời Thánh Augustine: “Trái tim tôi đã được dựng nên cho một mình Thiên Chúa, và nó không ngừng dạo dực cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”. Đó cũng là những giây phút để não bộ được tĩnh lặng, và nghỉ ngơi. Các nhà tu hành, nhất là các đan sỹ chiêm niệm họ dành mỗi ngày hàng giờ một mình trong tĩnh lặng, cho những giây phút nội tâm này. Vì thế tâm hồn họ được an bình, cuộc sống họ được an nhiên, tự tại. Hành động của họ không mang tính hiếu chiến, hiếu thắng. Giao tiếp với họ ta cũng cảm được sự bằng an. Ta thấy họ hiểu ta và ta rất dễ thông cảm với họ. Đấy cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài sau một ngày làm việc vất vả, tất bật: “Anh em hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6:31).
Theo khoa học, khi óc con người thư dãn, tần số giao động của nó sẽ hạ thấp xuống ở mức độ 8-10 Hz, là tần số được xem như cần thiết cho sự an tĩnh. Đó là một tần số sáng suốt với ý thức mở rộng. Do đó, một người tự chủ, bình tĩnh không những giúp chính mình dễ dàng gần gũi, cảm thông và chia sẻ được với người khác, mà người khác cũng cảm thấy dễ dàng cảm thông và chia sẻ được với chính mình. Nó giúp chuyển hóa những tư tưởng một cách đơn sơ, dễ hiểu, và dễ dàng cho người khác chấp nhận. Ca dao Việt Nam có câu: “Giận mất khôn”. Nóng nẩy, bất nhẫn dễ làm cho ta sai lầm. Sự sai lầm như trên vừa trình bày có nguồn gốc bằng khoa học được căn cứ trên những giao động của tình cảm và khối óc.
Tóm lại, hãy dành 10, 15, hay 30 phút mỗi ngày cho mình, cho sự bình tĩnh tâm linh và cho sự nghỉ ngơi của khối óc. Chính trong những giây phút yên tĩnh này bạn sẽ tìm được sự bình an tâm hồn, và sự thanh thản của khối óc. Bạn sẽ cảm thấy hễ hiểu và dễ lắng nghe người khác hơn. Bạn sẽ cảm thấy yêu mình và yêu đời hơn. Người khác cũng thấy bạn dễ yêu, và dễ mến hơn.
Tiến sỹ Trần Mỹ Duyệt
Nguyồn : http://www.giadinhnazareth.org
__________
* Những tài liệu mang tính khảo cứu được rút ra từ bài viết “Vô Minh và Khoa Học Não Bộ” của Bác sĩ Tâm Thần Thái Minh Trung, đăng trong Nguyệt San Hồn Việt Vol. 35. No. 322, July 2010. Bác sĩ Thái Minh Trung là Giảng Sư Khoa Tâm Thần của Đại Học UCI.