Khắc khẩu với vợ là chuyện "thường ngày ở huyện", đặc biệt với các đôi vợ chồng trẻ. Ngày xưa "tam tòng tứ đức", chồng nói gì vợ đố dám nói lại một câu, giờ nam nữ bình quyền, vợ lúc nào cũng có thể có ý kiến riêng của mình.
"PHÂN LOẠI" KHẮC KHẨU
Đám mày râu khi ngồi với nhau có thể bình tĩnh phân loại các kiểu khắc khẩu với vợ :
Khắc khẩu trẻ con : Khi vợ là con một, vợ hiếu thắng, thích tranh luận đôi co nhưng thuộc dạng "khẩu xà tâm Phật", trong thâm tâm hay khi ra ngoài hoặc có người thứ ba thì luôn tỏ ra yêu và kính trọng chồng. Với kiểu khắc khẩu này, chồng có thể mỉm cười cho qua, thậm chí thỉnh thoảng còn kiếm cớ "cãi nhau" với vợ cho vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, cũng cần cảnh báo để vợ không quá mù ra mưa, từ khắc khẩu trẻ con chuyển thành cãi nhau gay gắt.
Khắc khẩu ngoại : Khi đi ra ngoài, khi có người thứ ba chứng kiến, vợ thấy lời nói của chồng đôi lúc không lọt tai, làm mình bị mất thể diện nên phản bác lại ngay để chữa thẹn. Cách xử sự như thế sẽ làm ông chồng thấy nóng mặt, lời qua tiếng lại và dễ cãi nhau.
Vị dụ có bà vợ hay chê chồng : "Đã không biết còn hay thích nói"; "Biết tin vịt mà cũng đi buôn", chồng nói gì là vợ chặn họng làm chồng quê độ. Tuy nhiên, về nhà hai vợ chồng vẫn thân mật với nhau như chẳng có chuyện gì. Với kiểu khắc khẩu này, chồng có thể rút kinh nghiệm, không nên có những lời lẽ làm vợ "nóng mặt" và nên biết kiềm chế, im lặng không nói nữa, bỏ đi chỗ khác, không biểu lộ thái độ, về nhà "đóng cửa bảo nhau". Tuy nhiên, nguy cơ khắc khẩu ngoại này nếu không "điều trị" đúng lúc, đúng bài có thể thành khắc khẩu mãn tính.Khắc khẩu nặng : Khi vợ chồng không còn yêu thương, suốt ngày hầm hè nhau, chuyện bé xé ra to, nói gì cũng dễ chuyển thành chiến tranh, sẵn sàng gọi nhau bằng những từ ngữ không hay ho. Khi quan hệ vợ chồng đã chuyển sang mức độ này, nhiều ông chồng thấy gia đình không còn là bến đỗ bình yên, cuộc sống bỗng trở thành địa ngục nên chỉ còn cách tuyên bố với vợ "đường em em đi, đường anh anh đi".
ĐỪNG ĐỂ KHẮC KHẨU TRỞ THÀNH "AXÍT"
Có những cặp vợ chồng không bao giờ nói chuyện bình thường với nhau được quá 5 phút, hễ bàn cái gì cũng cãi lộn, vì mỗi người đều muốn theo ý mình. Chồng nói một câu, vợ cũng phải đá lại một câu "ăn miếng trả miếng" hoặc ngược lại. Những chuyện vợ chồng khắc khẩu nhau thường là chuyện nhỏ nhặt, ví dụ vợ khen cái đồ này dùng tốt - chồng sẽ bảo là không ; chồng nói đi ăn ở nhà hàng này ngon - vợ sẽ bĩu môi chê nhà hàng ấy dở. Nhiều cặp vợ chồng thấy việc cãi vã nhau là môn thể thao miệng, là một phần của cuộc sống, ngày nào không đôi co ngày ấy như thiếu cái gì đó.
Khắc khẩu chỉ là chuyện "nhỏ như con thỏ" trong cuộc sống vợ chồng, nhất là khi so với bao nhiêu việc trọng đại khác, so với những lo toan cơm áo gạo tiền hàng ngày. Nhưng nếu chồng/vợ đều không biết kiềm chế, không biết nghĩ đến gia đình, con cái mà cứ nói cho sướng miệng, nói để thỏa mãn sự hiết thắng và ý muốn của bản thân, sự khắc khẩu sẽ trở thành axít đậm đặc, phá hoại hạnh phúc gia đình lúc nào không hay. Vì vậy, đừng ngại ngần thực hiện theo lời chỉ dạy của các cụ thời xưa : "Lời nói không mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".Goi boi : Thanh Huong