“Mother’s Day” bên Mỹ. Chuyện rằng Anna Jarvis mong muốn vinh danh mẹ cô, là người đã từng tìm cách lập ra “Ngày hữu nghị của các bà mẹ” như một phương cách để hàn gắn những đổ vỡ đau thương của cuộc nội chiến. Mẹ bà qua đời vào năm 1905 mà chưa thực hiện được ý nguyện. Vào giỗ mẹ năm 1908, Anna đến thành phố Grafton thuộc tiểu bang West Virginia, thuyết phục nhà thờ nơi bà từng dạy giáo lý, làm lễ tưởng niệm mẹ cô. Đó là vào Chủ Nhật 10 tháng 5, 1908, Anna mang hơn 500 đóa carnation (cẩm chướng, loài hoa mà mẹ cô ưa chuộng) đến tặng người dự lễ.
Theo truyền thuyết Ki-tô giáo, những giọt nước mắt của đức Mẹ khi theo chân Chúa Giê-su trên đoạn đường vác thập tự giá, tuôn rơi xuống đất thì hóa thành những đóa cẩm chướng.
Bông cẩm chướng màu trắng biểu trưng cho sự thanh khiết của tình Mẹ, Anna cài lên áo những người đã mất mẹ. Cẩm chướng màu đỏ thì được cài lên áo những người còn mẹ trong đời. Buổi lễ rất cảm động, là yếu tố thêm nữa thúc đẩy Anna theo con đường mà mẹ cô đã vạch ra, là vận động lập ra ngày lễ vinh danh các bà mẹ trên toàn quốc Hoa Kỳ.
Theo ông Robert J. Myers, nhà nghiên cứu lịch sử các ngày lễ tại Hoa Kỳ thì nguồn gốc Ngày Hiền Phụ (Father's Day) đã xuất hiện từ thời cổ La Mã, được gọi là Parentalia, với mục đích để tưởng niệm những người cha đã quá cố. Trong ngày lễ này, gia đình tụ họp và mang thực phẩm ra nghĩa trang đặt trên phần mộ của người cha quá cố. Sau nghi thức cầu nguyện, họ cùng chia nhau thực phẩm. Ngày nay, mục đích Ngày Hiền Phụ không những để tưởng niệm các người cha đã quá cố mà còn để vinh danh và báo hiếu những người cha còn sống. Ngày Hiền Phụ ở Hoa Kỳ được cử hành cách đây 93 năm, do sáng kiến của bà Charles Clayton, cư ngụ tại Fairmont, thuộc tiểu bang West Virginia, Hoa Kỳ.
****
Ngày Hiền Mẫu và Hiền Phụ là hai ngày lễ rất có ý nghĩa của xã hội Hoa Kỳ. Vì sự lôi cuốn của vật chất, con người ngày càng ích kỷ, dễ phai nhạt tình nghĩa, do đó, thiết tưởng hai ngày lễ này cần được chúng ta cử hành một cách rầm rộ để nhắc nhở bổn phận làm con của mỗi một người trong gia đình. Nói cho cùng, đã là con người thì đầy những khiếm khuyết. Không phải ai ai cũng tốt đẹp như nhau. Không phải người cha mẹ nào cũng thực sự yêu thương con mình. Có những người mẹ nhẫn tâm vất con vào cô nhi viện, hoặc bán con cho người khác làm con nuôi. Có những người cha đánh đập con cái không nương tay, hoặc ngay cả lạm dụng thân thể của con gái. Thử hỏi những người con này có muốn nhớ đến người cha hay người mẹ đó hay không?
Khi không có được một người cha hay người mẹ trần thế đúng nghĩa, con cái chạy đến với Thiên Chúa, là Người mà tín hữu công giáo tin rằng đã hy sinh ngay cả tính mạng mình để chết trên thập giá chỉ vì yêu thương họ. Khi đến tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, qua lời Chúa -- các bài đọc, bài giảng -- họ hy vọng được an ủi, được gặp gỡ với một Thiên Chúa nhân từ để quên đi thực tế đau thương. Nhưng nếu Chúa Nhật đó là ngày cộng đoàn cử hành Ngày Hiền Mẫu hay Hiền Phụ ngay trong Thánh Lễ, thì điều đó chẳng khác nào khơi dậy vết thương lòng, tưởng đã quên nhưng đang mưng mủ. Còn gì chua xót cho bằng khi nhìn thấy những người may mắn có được người cha, người mẹ hiền lành trong khi mình thân phận mồ côi? Còn gì cay đắng cho bằng cả một quá khứ kinh hoàng sống dậy để lòng tràn ngập những oán hận thay vì sự bình an của Thiên Chúa?
Trong
phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo có rất nhiều nghi thức cầu nguyện, không những cho người còn sống mà cả khi họ lìa trần. Cầu nguyện cho người sống, chúng ta có các bí tích và trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta đều
cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Riêng người quá cố, chúng ta còn dành riêng một ngày lễ (2-11) và nguyên tháng Mười Một để cầu nguyện
cho các linh hồn đã ly trần. Phụng Vụ Công Giáo không thiếu sót khi nghĩ đến công ơn cha mẹ, dù còn sống hay đã chết, vì thảo
kính cha mẹ là điều răn thứ tư trong mười điều răn mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.
Tống hợp