Máy ảnh số không thể thiếu trong những chuyến du lịch. Nhưng sau hàng trăm cú bấm máy, khi xem lại, bạn khá thất vọng. Ảnh thì nhòe mất nét, ảnh lại sai bố cục… Vài mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn tránh được tình huống nói trên.
Chụp cảnh đêm không cần chân máy
Những ai đã dùng máy ảnh kỹ thuật số đều biết rằng chụp cảnh đêm là một trong những thử thách lớn nhất với người chơi ảnh nghiệp dư. Lời khuyên bạn thường nhận được khi muốn chụp cảnh đêm là sử dụng một chân máy (tripod) để tránh trường hợp máy bị rung, dẫn đến nhòe hình. Tuy nhiên, mang theo một chiếc chân máy khi đi du lịch thật phiền phức mà bạn lại không muốn bỏ lỡ khung cảnh tuyệt vời của thành phố nào đó vào ban đêm, khi những ánh đèn lung linh phát sáng. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có một chiếc máy ảnh cho phép chỉnh các chế độ chụp cơ bản và biết cách điều chỉnh các chế độ đó.
- ISO: Đây là thông số chỉ độ nhạy sáng của máy ảnh, ISO càng cao thì độ bắt sáng của máy càng tốt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên tăng ISO đến 1600 vì với những máy ảnh số thông thường, ISO quá cao sẽ dẫn đến tình trạng ảnh bị hạt và cũng không đẹp. Chỉ số ISO lý tưởng cho việc chụp cảnh vào ban đêm là 400 và đây cũng là chỉ số ISO cao nhất thường thấy trong máy ảnh số cho người dùng nghiệp dư (không phải máy ảnh chuyên nghiệp).
- Exposure (tốc độ màn trập – độ phơi sáng): chỉ khoảng thời gian màn trập máy ảnh mở ra để cảm biến ảnh ghi nhận hình ảnh cần chụp. Ví dụ 1:15 có nghĩa là 1/15 giây, 1:4 là 1/4 giây. Tốc độ đóng của màn trập càng nhanh thì khoảng thời gian để ghi ảnh lên cảm biến càng ngắn và hình sẽ ít bị nhòe hơn. Với ảnh chụp đêm, exposure lý tưởng là từ 1/15 giây đến 6/10 giây.
- Aperture: là độ mở của ống kính, cho phép ánh sáng lọt vào ống kính khi bạn chụp ảnh. Với mỗi khung cảnh khác nhau sẽ có những độ mở ống kính tương thích khác nhau. Để tìm được aperture thích hợp nhất, bạn hãy nhìn vào màn hình LCD trên máy ảnh của mình và chỉnh sao cho cảm thấy phù hợp ý mình nhất.
Bạn hãy chỉnh các thông số theo thứ tự lần lượt ISO 200 hoặc 400, tốc độ màn trập 1/15-6/10 và cuối cùng là điều chỉnh aperture để có được độ sáng ưng ý rồi chụp nhiều lần để có được bức ảnh hoàn chỉnh. Máy ảnh số có lợi thế là lưu ảnh vào thẻ nhớ và có thể chọn lọc lại để rửa về sau, vì thế bạn cũng không ngại tốn phim như chụp trên máy ảnh truyền thống.
Tuy nhiên, trong trường hợp máy ảnh của bạn thuộc dòng tự động, không thể điều chỉnh các thông số này bạn nên chuyển sang chế độ chụp Night mode, tìm một mặt phẳng kê máy thật vững rồi canh chỉnh góc máy cho phù hợp để chụp. Đây không phải là giải pháp tốt nhưng vẫn có thể cho những bức ảnh chất lượng khá hơn việc bạn chụp bằng tay và lại không thể giữ cho máy không bị rung khi chụp.
Chụp ảnh phong cảnh
Vấn đề thường gặp phải với những bức ảnh chụp phong cảnh là khi lên hình trông nó không hoành tráng như mắt bạn đã nhìn thấy. Thật ra chỉ cần chú ý thêm về bố cục bạn đã có thể có những hiệu ứng tốt hơn.
- Tiền cảnh: Đây là yếu tố thường bị bỏ sót trong khi nếu lưu tâm hơn vào tiền cảnh bạn có thể sẽ tạo được thêm chiều sâu cho bức ảnh của mình. Ví dụ khi chụp cảnh ngọn núi hùng vĩ bạn thường không bỏ sót cánh đồng hoa dưới chân núi, cũng chính là yếu tố đã tạo nên chất thơ cho khung cảnh đó.
- Bầu trời: Nếu bức ảnh bạn chụp chỉ là một cánh đồng hoa vàng ngút mắt thì chắc chắn không thể nào bằng được cánh đồng đó nằm dưới bầu trời xanh ngắt rồi.
- Sự chuyển động: Những bông lúa rung rinh dưới ánh nắng, một chiếc cành cây lắc lư trong gió sẽ tạo nên hiệu ứng hơi nhòe và đó lại là yếu tố tạo nên nhiều cảm xúc hơn cho bức ảnh.
- Thời điểm: Có những khung cảnh đẹp hơn khi lên ảnh nhờ hiệu ứng từ ánh sáng đặc biệt của áng hoàng hôn hoặc ánh bình minh đang ló dạng vì ánh nắng xiên vừa đủ để lấy sáng cho bức ảnh mà lại không gây chói như ánh sáng giữa ngày. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý là không phải ở thời điểm giao giữa đêm và ngày đó vị trí máy nào bạn cũng có thể chụp được bức ảnh đẹp vì đôi khi rất dễ bị bóng đổ che khuất khung hình.
Cuối cùng, đừng bao giờ quên những lời khuyên cũ nhưng luôn có ích cho bạn: hãy kiểm tra lại xem mình đã đem theo bộ sạc và pin dự phòng chưa. Ngoài ra, nếu có điều kiện, hãy mua thêm 1 chiếc thẻ nhớ ở dung lượng tối đa mà máy ảnh của bạn hỗ trợ. Đây là những tiểu tiết rất nhỏ nhưng có thể làm chuyến du lịch của bạn mất vui vì ngay vào lúc bạn cần chụp ảnh nhất thì lại hết thẻ hay không còn pin.