Mùa Chay đi rồi Mùa Chay lại về, tôi tự hỏi con người tôi có đổi mới hay không? Đổi mới cho được tốt lành hơn, hay là càng ngày càng thêm tệ? Người ta bảo rằng “càng sống lâu thì càng chất chồng tội lỗi.” Câu này cũng có thể đúng lắm, nếu tôi không cố gắng từ giã thói hư nết xấu và vun trồng nhân đức.
Những bài suy niệm Mùa Chay thì hằng hà sa số, và những ý tưởng chính vẫn là ăn chay, hãm mình, đền tội. Tuy vậy, nếu suy niệm hẳn hoi những từ này thì quả là không đơn giản tý nào. Vì vậy Chúa mới nói rằng “Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp,” (Lc 13, 24) vì cửa hẹp dẫn đến sự sống đời đời.”(Mt 7, 14)
Ăn chay đối với tôi không khó lắm, đó là hãm mình bề ngoài, nhưng khó hơn hết là hãm mình bề trong, cũng có nghĩa là chà đạp cái tôi, chà đạp tự ái của tôi để thanh tẩy linh hồn đầy kiêu hãnh. Ở đây tôi không dám lạm bàn về đề tài này vì đã có những đấng viết nhiều rồi. Tôi chỉ viết lại những kinh nghiệm trong đời sống tâm linh của mình để tạ ơn Chúa, hoặc để xin Chúa thứ tha, vì đáng lẽ tiến lên thì tôi lại gài số de, tôi lùi dần.
Bình thường khi mình tự cho mình là rốt hết, là thua người, với bao danh từ xấu xa tự gán cho mình, thì mình ngỡ rằng mình đã khiêm nhường, nhưng tôi đã lầm to rồi! Chỉ một chuyện cỏn con xảy đến với tôi, thì tôi mới thấy rõ con người tôi kiêu ngạo như thế nào.
Một lần kia, người làm chung văn phòng đã bịa chuyện, đặt điều vu oan làm cho tôi bị chủ rày la, rồi thì chúng tôi gây gỗ nhau. Lúc đó, tôi mới thấy, ái chà! sao phổi của mình tốt thế! Và sao ngoại ngữ của tôi lại bỗng dưng lưu loát quá, khi tôi đấu võ mồm. Lúc đó thì cái nhu mì, dịu dàng, dễ thương mà tôi thường nghe người ta khen tặng tôi, bỗng dưng không cánh mà bay.
Sau khi đấu mỏi miệng rồi, nhịp tim cũng còn đập loạn xà ngầu lên vì tức giận, tôi về nhà dùng cơm trưa vì nhà thôi không xa hãng làm. Vào giờ trưa tôi thường dùng bữa nửa tiếng, và còn nữa tiếng còn lại tôi dùng cầu nguyện. Ngoan quá còn gì phải không Chúa? Chắc là Chúa đang lắc đầu lia lịa đây mà.
Sau khi cầu nguyện, tôi bỗng thấy hối hận vì phản ứng của mình, và thấy mình cũng có lỗi vì đã lớn tiếng với người bạn cũng sở. Tôi không có quyền làm như thế, vì hành vi thiếu tôn trọng người ta. Cầu xin Chúa tha thứ cho tôi, và hứa với Chúa rằng tôi sẽ đi xin lỗi người ta. Lòng phấn khởi hân hoan, vì ít ra lương tâm tôi chưa mê ngủ.
Nhưng mà cái tôi của tôi nó tỉnh táo lắm kìa! Bước chân vào hãng, bỗng dưng chân tôi nặng nghìn cân, rồi thì lòng phấn khởi hân hoan lúc nãy lại biến đâu mất, nhường chỗ cho câu nói: ”Ủa, mà mình đâu có lỗi gì đâu, nó là người vu oan giá họa cho mình mà! Lại nữa, nó cũng lớn tiếng với mình, chứ có hiền lành gì đâu, nó là người phải xin lỗi mình chứ tại sao mình lại xin lỗi nó kia chứ?
Mùa Chay, Mùa Chay, hãm mình bề trong hồn tôi hỡi! tôi cố gắng lê bước gần ngưỡng cửa, và nói thì thầm với Chúa: “Chúa ơi xin giúp sức cho con, cái tôi của con nó kéo ghì bước chân con, con cố gắng vì yêu mến Chúa, vậy Chúa phải ban ơn cho con đó à nha!” Nhắm mắt đưa chân tôi tiến lại gần sẳn sàng xin lỗi. Lúc đó tôi mới nhận thức đươc rằng câu xin lỗi sao mà khó nói quá, lưỡi tôi như thụt vao đấy! Không ngờ cái tôi nó lại gây ra bao nhiêu là bệnh cho tôi, nào là chân nặng nề như chân voi, nào là tim đập mạnh, nào là lưỡi thụt vào. Nhưng chẳng sao cả, Chúa đã hứa ban ơn kia mà!
Chỉ còn 2 bước nữa là tới ngưỡng cửa. Thì ồ! người bạn ấy từ trong chạy ùa ra, ôm tôi và nói xin lỗi với tôi, trươc khi tôi kịp ngỏ lời. Chúa ơi, cục đá nặng buộc vào chân con đâu rồi, sao con thấy nhẹ nhõm thế kia. Hai đứa tôi xin lỗi nhau và bắt tay làm hòa. Linh hồn tôi mừng vui quá thể.
Tuy tôi chưa kịp xin lỗi trước, nhưng lòng tôi đã quyết hãm dẹp cái tôi của mình vì yêu mến Chúa, Chúa biết lòng tôi và Ngài đã lấy gánh nặng xuống khỏi vai tôi. Chúa thật tốt lành! Ngài chỉ cần ý chí của tôi mà thôi, việc còn lại Chúa sẽ lo liệu.
Đấy, một chút hãm mình bề trong khó còn hơn nhịn ăn suốt buổi. Nếu cái tôi lớn hơn nữa, thì cho dù có lỗi cũng sẽ không nói nổi tiếng xin lỗi, huống hồ gì mình bị hại mà còn phải xin lỗi người! Thế mới thấy “Không có Thầy các con không làm gì được” (Ga 15,4-5).
Một buổi tối, tôi lại chiêm bao, nhưng chẳng phải là mộng mị, lại liên quan đến ăn chay hãm mình đấy chứ. Tôi mơ thấy tôi đang dự Thánh Lễ, Chúa Giêsu ngồi phía sau tôi, cũng dự Thánh Lễ như bao người trong nhà thờ. Chúa lại bị chia trí trong Thánh lễ, Ngài khều vai tôi và nói nhỏ: “Con bắt chước ông này nè!”, vừa nói, tay Chúa chỉ về phía người đứng trên bục gỗ đang giảng bài Phúc âm.
Ông đó là ai mà Chúa biểu con bắt chước? Đó chính là Thánh Piô Năm Dấu, tôi nhìn lên thì thấy ngay bàn tay thánh nhân giơ lên với vết thương rĩ máu. Lập tức, không cần suy nghĩ, tôi trả lời với Chúa: “Không được đâu Chúa ơi, con sợ đau lắm!” Lúc đó, trong trí tôi chỉ thấy có một điều nơi ông này, đó là dấu đinh đâm thâu qua tay, rỉ máu. Tôi rất sợ đau đớn bệnh tật, mà Chúa lại bảo tôi bắt chước ông này, làm sao mà bắt chước cho nổi Chúa ơi.
Chẳng hiểu Chúa muốn tôi bắt chước điều gì, choàng tỉnh dậy, tôi bắt đầu suy nghĩ, xin Chúa soi sáng cho tôi. À thì ra là thế, đâu phải Chúa muốn tôi bắt chước có vết thương trên tay đâu, vết thương đó là Chúa ban cho kia mà!
Vậy thì chắc hẳn Chúa muốn tôi bắt chước nhân đức của Thánh nhân. Nhân đức? Chu choa ơi, biết bao nhiêu là nhân đức để được nên thánh, bắt chước chỉ một nhân đức thôi cũng đổ mồ hôi đó, huống hồ gì bắt chước những nhân đức.
Nhưng có lẽ Chúa muốn nói về một nhân đức trội nào đó. Bởi vì nơi mỗi thánh, Chúa ban cho các ngài nhân đức trội khác nhau. Chẳng hạn như thánh Phanxicô Assise thì nhân đức trội là đức khó nghèo, thánh Gerard de Majella thì đức vâng lời, thánh Alphonse de Liguori được mệnh danh là “Bậc Thầy kinh nguyện,” Thánh Pierre Julien Eymard là tông đồ Thánh Thể, Thánh Têrêsa Hai Đồng Giêsu có tâm hồn thơ bé, vv…
Tôi không biết thánh Piô Năm Dấu có đặc điểm trội gì đây, nhưng tôi nhớ một đoạn trong hạnh thánh của Ngài. Một hôm khi về nhà dưỡng bệnh, giữa khuya, có ai gõ cửa, mở cửa ra thì thấy cha linh hướng của ngài đứng trước cửa, trong thời tiết giá buốt mùa đông. Mời cha giải tội vào, thánh nhân hỏi ngài, sao lại thân hành tới đây gấp rút giữa đêm khuya, chắc hẳn là có chuyện gì quan trọng lắm. Cha giải tội trả lời: “Chúa rất buồn con, vì con đã hãm mình hành xác quá nhiều, đến tiều tụy thân xác, mà thân xác là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần mà!”
Cha Piô nghe đến đây thì buồn vô hạn, đau lòng, muốn đứng tim vì đã làm Chúa buồn. Còn tôi, đã làm Chúa buồn bao nhiêu lần mà vẫn trơ trơ thế kia! Cha Piô suy nghĩ câu nói vừa rồi và có chút nghi ngờ, cha liền nói: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, xin cha nói lại cho con nghe cha vừa nói gì đó?” Tức thì, cha giải tội biến thành hình con quỷ to lớn, nó đứng lên cười ha hả, lưỡi le dài ra, và vừa nghe Danh Thánh Chúa nó vụt biến mất ra ngoài.
Thánh nhân có biết bao nhiêu là nhân đức, nhưng con quỷ lại tức tối vì sự ăn chay hãm mình của thánh nhân. Tôi suy ra, đây rồi, có lẽ Chúa muốn tôi bắt chước thánh nhân ở điểm này: Hãm mình, hy sinh.
Mùa Chay là Mùa nhấn mạnh việc hãm mình ăn chay. Nhưng ăn chay mà không có sám hối, chừa cãi thì cũng bằng không, vì nếu thế thì Mùa Chay đối với tôi chỉ là những nghi thức phụng vụ mà thôi.
Ma quỷ đã giả dạng cha linh hướng để khuyên thánh Piô chấm dứt việc hãm mình ăn chay. Tôi lại nhớ một đoạn trong Kinh Thánh Chúa bảo cùng các môn đệ rằng có những thứ quỷ, muốn đuổi nó, cần phải cầu nguyện nhiều và ăn chay hãm mình. "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi."(Mc 9, 29)
Mùa Chay năm nay tôi đặc biệt để ý đến việc ăn chay bề trong, giảm một câu nói biện minh cho mình, nhịn nhục trước những điều người ta xúc phạm đến mình, kiềm chế sự nóng giận, bớt đi một lời nói chỉ trích, hoặc lời nói khoe khoang, bớt nói về mình, vv…
Phần đông tôi nhận thấy những tội tôi dễ vấp phải đều do ở lời nói. Hèn gì Thánh Giacôbê mới nói: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân”(Gc 3,2).
Chúa ơi! vậy thì con còn xa lắc xa lơ con đường hoàn hảo rồi. Xin cho con biết hãm mình hy sinh noi theo gương thánh Piô Năm Dấu, để mỗi ngày Chúa phải được lớn lên, còn tôi nhỏ đi. (Ga 3, 30).
Lạy Mẹ Maria là gương mẫu đức khiêm nhu, xin dạy con biết sống khiêm nhường để được nên giống Giêsu Con Mẹ, hầu mong được gặp Mẹ trên Nước Thiên Đàng.
Phút Tâm Giao 12 _ GBW