Đôi khi chúng ta tự hỏi: Tại sao phải cầu nguyện đang khi có nhiều việc khác quan trọng hơn cần làm?
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cho chúng ta biết rằng: “Con người mọi thời luôn cầu nguyện vì không thể không tự hỏi đâu là ý nghĩa của đời mình, là điều họ vẫn còn mù mờ và băn khoăn nếu không đặt trong mối liên hệ với mầu nhiệm Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài về trần gian.”
Thực vậy, trong kinh nghiệm đời sống của mình, chúng ta không chấp nhận một cuộc đời vô nghĩa. Ai trong chúng ta, tự thẳm sâu cõi lòng, muốn sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Nói khác đi, là người chúng ta luôn tự vấn: “Điều này, điều kia hay biến cố này, biến cố kia có ý nghĩa gì đối với tôi?” Do đó, chính khi đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình mà con người, dưới nhiều cách thế khác nhau, đang cầu nguyện.
Theo Đức Thánh Cha, chúng ta cần cầu nguyện còn bởi vì: “Cuộc sống con người là sự pha trộn giữa thiện và ác, giữa khổ đau oan nghiệt với niềm vui và cái đẹp, thôi thúc chúng ta một cách tự nhiên và không cưỡng lại được phải cầu xin Chúa ban cho ánh sáng và sức mạnh giúp chúng ta sống trên trần gian và mở ra niềm hy vọng vượt khỏi biên giới của sự chết.”
Vâng, bất chấp tuổi tác, khả năng nhận thức, nền tảng văn hóa cũng như những thành tựu khoa học đã đạt được, mỗi người đều thấy mình thật giới hạn. Và tự thẳm sâu tâm hồn, mỗi người nhận biết rằng con người như nó là không bao giờ thấy chính mình “tự đủ” hay “hoàn toàn độc lập”. Là người tức là “phụ thuộc vào một Đấng khác, là Đấng cao cả hơn mình và là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo.”
Đứng trước Đấng ấy, triết gia Prôclô đã thốt lên tràn đầy tâm tình nguyện cầu: “Lạy Đấng Bất Khả Tri, không ai có thể chứa hết được Ngài. Tất cả những gì chúng con nghĩ ra được thì đều thuộc về Ngài. Mọi điều lành dữ của chúng con đều ở trong Ngài, từng khát vọng của chúng con đều lệ thuộc vào Ngài. Ôi, Đấng không lời nào tả xiết, xin cho linh hồn chúng con cảm nhận Ngài đang hiện diện bằng cách dâng lên Ngài khúc thánh thi thinh lặng.”
Lạy Chúa, xin dạy con cầu nguyện; xin Ngài lôi kéo con đến với Ngài, Đấng là nguồn cội và cùng đích đời sống con. Amen.
(Hoàng Sơn,SJ)