Bài Tin Mừng Chúa nhật 16, mùa Thường niên, năm A thuật lại việc Chúa Giêsu và các môn đệ đi về miền Tyrô và Siđon. Đây là một miền đất của dân ngoại. Có lẽ Ngài muốn đến đó để nghỉ ngơi chăng!
Vào một nhà kia, Ngài không muốn cho ai biết; nhưng cũng không thể tránh khỏi những cặp mắt đang theo dõi của thiên hạ. Ngay khi vừa đến đó, Chúa đã gặp phải một người phụ nữ xứ Canaan đến “ quấy rầy”. Bà là một phụ nữ ngoại giáo, và còn tệ hại hơn, bà là thành viên của một chi tộc mà tổ tiên là kẻ thù của người Do Thái. Bà có một người con gái bị qủy ám sống rất khổ cực. Bà đã nghe người ta nói nhiều về Chúa Giêsu cũng như những việc Chúa đã làm. Cho nên, dù biết rằng giữa Ông Giêsu và bà, có nhiều ngăn cách, kỳ thị về tôn giáo, về chủng tộc; nhưng vì thương con, bà đã bất chấp mọi rào cản để đến với Ông Giêsu, mong sao cho con bà được thoát khỏi kiếp sống tồi tệ như hiện nay; và bà đã mạnh dạn đến gặp Ông và van xin: “ Lạy Ngài là con vua Đavít, xin rủ lòng thương xót! Đứa con gái của tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ im lặng. Bực mình, các môn đệ đã phải lại gần, xin với Thầy: “ Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”
Bà ấy cứ lẻo đẻo theo sau, lãi nhãi kêu van mãi! Thật Quấy rầy!
Trẻ em hay khóc, không chịu ăn, không chịu chơi. Người ta bảo trẻ hay quấy. Một người hay làm mất trật tự công cộng, gây phiền hà cho người khác, không để cho ai yên ổn thì người ta gọi hành động ấy là quấy phá, quấy rối, quậy, quậy phá như quấy phá giấc ngủ hàng xóm…
Quấy rầy là một hành động, một việc làm gây ảnh hưởng đến công việc hay sự nghỉ ngơi của người khác khiến cho người khác bực mình bằng sự có mặt hay những yêu cầu , những hoạt động không đúng chỗ, không đúng lúc.
Tin Mừng Thánh Luca chương 11 có ghi lại câu chuyện sau: Một anh chủ nhà kia, giữa đêm khuya, có một người bạn đến gõ cửa nhà xin vay mấy chiếc bánh để đãi khách đi đường xa ghé lại. Anh chủ nhà bực mình lên tiếng: “ Đêm đã khuya. Cửa đã đóng. Các con tôi và tôi đã lên giường cả rồi. Tôi không thể dậy. Xin anh đừng quấy rầy”! Nhưng người bạn kia vẫn cứ đứng trước cửa nài nỉ. Cuối cùng, để khỏi bị phiền hà, anh chủ nhà cũng đã đáp ứng nhu cầu của người bạn kia.
Một trường hợp khác: Chị chủ nhà kia đang hồi hộp theo dõi đoạn cuối bộ phim chị đang say mê. Một người ăn xin lù lù đứng trước cửa nhà, đang van xin chị giúp đỡ. Bực mình, từ trong nhà, chị xua tay như thầm bảo với người ăn xin là không có gì, đi đi! Nhưng người ăn xin vẫn đứng đó kêu xin, than thở. Cuối cùng, để khỏi bị quấy rầy, chị cũng đành phải đứng dậy cho người ăn xin một ít tiền.
Không biết có ai trong chúng ta, một lần bị “ quấy rầy”, đã từ chối, xua đuổi người cầu cứu giúp đỡ như các môn đệ Chúa Giêsu đã xin với Thầy Giêsu: “ Xin Thầy bảo bà ấy về đi!”, hay không thể từ chối như hai trường hợp kể trên!
Phản ứng của chúng ta thế nào, khi gặp người đến van xin, giúp đỡ, những người đến “ quấy rầy” chúng ta? Có thể chúng ta cũng ít mau chóng bố thí, giúp đỡ, vì đó là chuyện của người khác, của dân tộc khác, của xứ sở khác, chẳng liên quan gì đến tôi. Có thể chúng ta khước từ lời van xin giúp đỡ, vì chúng ta không có thời gian, không có điều kiện… Có thể chúng ta không đồng tình với việc bố thí, vì bác ái, giúp đỡ là một hình thức nuôi dưỡng tâm lý xin xỏ, dựa dẫm, ỷ lại…
Trước những đói khổ của con người, chúng ta có nhẫn tâm làm ngơ, sợ bị quấy rầy, thiếu trách nhiệm, thiếu lòng thương cảm và xua đuổi người quấy rầy như các môn đệ đã làm không?
Còn về phần Chúa Giêsu thì sao? Ngài đã đối xử với người phụ nữ xứ Canaan “ quấy rầy” như thế nào?
Mặc cho người phụ nữ xứ Canaan lẻo đẻo theo sau van xin, năn nỉ, Chúa Giêsu vẫn im tiếng. Chỉ khi nghe các môn đệ đề nghị bảo cho bà ta về, Ngài mới lên tiếng: “ Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israen mà thôi.” Nghe thế, có lẽ như ai khác, sẽ thất vọng mà ra về; nhưng người đàn bà xứ Canaan vẫn không nản chí. Bà vẫn kiên trì theo sau năn nỉ: “ Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Nhưng hình ảnh của Chúa Giêsu dùng để ám chỉ người phụ nữ kia còn cay độc và chạm tự ái hơn: “ Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Vì thương con, bà chấp nhận tủi nhục, làm bất cứ điều gì, đương đầu với mọi sự, không chịu rút lui, bỏ cuộc: “ Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Và cuối cùng, Chúa Giêsu phải khâm phục lòng tin của người phụ nữ xứ Canaan và Chúa đã phải nhượng bộ trước sự kiên trì và lòng tin vững mạnh của bà: “ Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được vậy.”
Người đàn bà xứ Canaan đã phải đương đầu với mọi trở ngại để con bà được chữa lành. Bà đã phải đè nén lòng kiêu ngạo của mình để van xin. Là dân ngoại, bà biết rằng bà không được người Do Thái tiếp nhận. Bà đã phải vược qua sự lãnh nhạt của Chúa Giêsu và sự xua đuổi của các môn đệ.
Chúa đã thử thách lòng tin của người mẹ có người con bị qủy ám. Có lẽ, trong cuộc sống chúng ta, Chúa cũng đã thử thách chúng ta nhiều lần, nhiều cách. Nhưng thái độ của chúng ta như thế nào? Chán nản bỏ cuộc? Oán trách than van? Nản chí buông xuôi?
Chúng ta phải ca ngợi người phụ nữ ngoại giáo này. Bà là một tấm gương về sự kiên trì trong sự cầu xin, là một mẫu mực mạnh mẽ trong đức tin, là một tấm lòng can đảm trong tình yêu.
Đức tin đòi buộc chúng ta phải kiên trì, phải chiến đấu. Đức tin phát huy lòng khiêm nhường, can đảm, kiên nhẫn và tình yêu thương của chúng ta. Đức tin và tình yêu được liên kết khăng khít với nhau.
Nếu đức tin chúng ta mạnh mẽ, kiên trì cậy trông thì mọi lo âu, mọi lời cầu xin, mọi bối rối lo toan sẽ không ra vô ích trước tình thương bao la của Thiên Chúa.
Tại sao chúng ta còn do dự, không tin vào lời Chúa đã phán: “ Ai xin, thì sẽ được. Ai gõ sẽ mở cho.”
Lm Trịnh Ngọc Danh